LỜI CHÚA

"Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

SUY TÔN THANH GIÁ


"Con Người phải bị treo lên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Suy niệm :
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá. Dấu chỉ, biểu tượng kitô này luôn hiện diện mỗi ngày trong cuộc sống người kitô hữu, cần được hiểu rõ.
Một ngày sống của người kitô hữu bắt đầu với kinh nguyện và dấu thánh giá trên người. Cần ý thức rằng ta đang vẽ trên mình không phải một dấu chỉ của đau khổ, của buồn sầu, của cực hình, nhưng là dấu chỉ của tình yêu.
Cả con người chúng ta, cả cuộc sống chúng ta được bao bọc bởi tình yêu của Thiên Chúa. Đúng, thập giá là khí cụ khổ hình, tuy nhiên, Chúa Giêsu qua cung cách Ngài sống cuộc khổ nạn, dạy cho ta biết rằng thập giá có thể làm biến đổi: tất cả những gì là ghen ghét biến thành yêu thương, tất cả những gì là thù hận biến thành tha thứ. ‘Lạy Cha, xin hãy tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm’. Điểm thiết yếu của thập giá không phải là cường độ của đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu, nhưng chính là cường độ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng không ngại trao ban Con Một mình cho nhân loại để họ được sự sống vĩnh cửu.
Giáo Hội hôm nay mời gọi ta nhìn lên thập giá, một cái nhìn vượt lên trên những dấu chỉ bên ngoài: sự ghê tởm của công cụ khổ nhục phải giúp ta, không phải để bị đè bẹp bởi sự tàn bạo, nhưng để khám phá và chiêm ngưỡng điều không thể dò thấu được: đó là sự vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, đấng đã chịu khổ vì mỗi người chúng ta. Vì việc nhập thể, vì việc hiến trao mạng sống, Đức Giêsu chứng minh cho ta thấy một Thiên Chúa gần kề chúng ta, một Thiên Chúa chỉ có một ước muốn duy nhất là sống trọn vẹn kiếp sống con người của chúng ta (ngoại trừ tội). Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa tự cởi bỏ thiên tính của mình và đến giữa chúng ta như người tôi tớ.
Ý tưởng đó được nhấn mạnh và giải thích trong bài đọc thứ hai: ‘mặc lấy thân nô lệ’. Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa từ trời cao xuống tận kiếp sống của ta, để gặp gỡ chúng ta. Ngài trút bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để nói với chúng ta: chẳng kể những khác biệt, chẳng muốn đặc ân, chẳng ham bạc vàng, chẳng muốn ở trên người khác…Đau khổ của con là của ta, cái chết của con cũng là cái chết của ta. Cần nhắc lại rằng điều cứu rỗi chúng ta không phải là số lượng những đau khổ hàm chứa nơi thập giá, nhưng chính là tình yêu, một tình yêu với cường độ và trương độ có thể xóa đi khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người.
‘Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống’. Lưu ý động từ ‘xuống’. Thông thường người ta muốn đi lên để gặp những nhân vật ở địa vị cao sang, được mọi người kính trọng. Thiên Chúa thì không như thế! Là một vị Thiên Chúa đi xuống. Để dạy ta rằng điều đáng kể không phải là sống trên những người khác và coi thường họ. Đối với Đức Giêsu, sống là chung chia thân phận, từ đó đặt cuộc sống mình ngang cùng cấp độ với kẻ khác; hơn thế: Đức Giêsu thích nhìn chúng ta từ dưới thấp lên cao. Một cái nhìn nhận biết phẩm giá những người nghèo, nhận ra bà góa nghèo với đồng xu duy nhất là cả cuộc sống của bà, nhận thấy ông Giakêu đang thiếu thốn tình bạn, nhận thấy những kẻ đau bệnh để chữa lành.
Lạy Chúa, chúng con tiếp tục hành trình của chúng con bằng việc chiêm ngắm thập giá của Chúa, mang lại cho chúng con niềm hy vọng, để tiếp tục loan báo tin mừng Nước Thiên Chúa như Ngài. Như Ngài, lạy Chúa Giêsu, chúng con muốn ra đi, xoa dịu các thương tích, bằng cách làm dấu chỉ hòa giải và yêu thương, vì chính dấu chỉ đó chứng thực chúng con là những môn đệ của Chúa. Thế giới sẽ trở lại, nhờ các kitô hữu mang thánh giá vào tận trong cuộc sống, chứ không phải đeo nơi cổ.
__________________
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Không có nhận xét nào: