LỜI CHÚA

"Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG

Tin mừng : Lc 1, 39-45

“Bởi đâu mà tôi được phước Mẹ Chúa đến viếng thăm ?”

Bạn thân mến,
Hôm nay chủ nhật thứ tư mùa vọng, chủ đề của Tin Mừng hôm nay là viếng thăm, tức là đức ái. Cuộc sống của người giữa người với nhau đều có những quan hệ để sống tồn, để yêu thương, để giúp đỡ, để chia vui và để chia buồn, bởi vì không ai là một hòn đảo.
Đức Mẹ Ma-ri-a đã đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét để trước hết là phục vụ, và sau nữa là loan báo tin vui Đấng Cứu Thế đã giáng trần, ơn cứu độ đã đến với nhân loại, một cuộc thăm viếng đơn sơ không kèn không trống đón chào nhưng niềm vui ngợp trời đất, không diễn văn khoa trương nhưng lột tả được tất cả những kì công của Thiên Chúa đã làm cho con người, đó là tình thương cứu độ.
Tình thương cứu độ này được đón nhận trước hết là thai nhi trong bụng của bà Ê-li-sa-bét –thánh Gioan Tiền Hô- ngài đã nhảy mừng lên khi còn trong bụng mẹ và đã được khỏi tội nguyên tổ, một cuộc viếng thăm tràn ngập niềm vui của Mẹ Ma-ri-a tại nhà người chị họ của mình.
Trong cuộc sống của bạn và tôi, cũng như bất cứ người nào cũng đều có những cuộc thăm viếng nhau trong cuộc sống, những cuộc thăm viếng này rất đa dạng :

- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả niềm vui cho người được thăm viếng.
- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả giận hờn, làm cho người được thăm viếng buồn phiền và lo âu.
- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả hận thù, làm cho người được thăm viếng sợ hãi...

Tiếp xúc và thăm viếng nhau là cơ hội để đem lại cho nhau niềm vui và sự cảm thông, đó cũng là điều mà Thiên Chúa muốn nơi mỗi người trong chúng ta.

Bạn thân mến,
Chúng ta là những người Ki-tô hữu, chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm giáng sinh hơn những người khác, chúng ta càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa thăm viếng của Mẹ Ma-ri-a với bà Ê-li-sa-bét, nghĩa là chúng ta sẽ đem tình yêu của Chúa đến cho tha nhân khi chúng ta đến viếng thăm hoặc là tiếp xúc với họ, chúng ta đóng vai trò của Mẹ Maria đem Chúa đến cho mọi người bằng cung cách phục vụ trong khiêm tốn của chúng ta.
Mẹ Ma-ri-a đón mừng mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa bằng cách phục vụ người chị họ như một “tôi tớ hèn mọn”, Mẹ cũng muốn chúng ta khi chuẩn bị đón mừng lễ giáng sinh con của Mẹ, thì đồng thời cũng giang tay tiếp đón những Giê-su nghèo khó bên vệ đường, những Ê-li-sa-bét lam lũ quần quật giữa cảnh đời không có tương lai...
Đó chính là lời mời gọi đức ái của Mẹ Ma-ri-a trong Tin Mừng hôm nay vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------
Lm. Giuse Maria Nhân tài, Csjb.

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Chúa Nhật 3 Mùa Vọng

Tin Mừng : Lc 3, 10-18

“Chúng tôi phải làm gì ?”

Bạn thân mến,

Hôm nay chủ nhật thứ ba mùa vọng, theo truyền thống của Giáo Hội, chủ nhật này được gọi là chủ nhật của hy vọng, cho nên các linh mục được dùng áo lễ màu hồng khi cử hành thánh lễ, để niềm hi vọng ngày Chúa đến được hát vang trong tâm hồn của người tín hữu.

Ánh sáng trong đêm tối là hi vọng, dù ánh sáng ấy chỉ mù mờ lóe lên, như thánh Gioan Tiền Hô xuất hiện mà người Do Thái thời ấy lầm tưởng là vị cứu tinh, nhưng ông không phải là vị cứu thế của nhân loại, ông chỉ đến để dọn đường cho Đấng cứu thế sẽ đến sau ông, nhưng quyền thế hơn ông mà thôi.

Dọn đường cho Chúa đến cần có hai thái độ: một là phải biết kiểm thảo mình, hai là phải biết mình là ai.

1. Phải biết kiểm thảo mình như những người đến nghe lời rao giảng của thánh Gioan Tiền Hô và đã hỏi ông : “Chúng tôi phải làm gì ?” thánh Gioan Tiền Hô đã trả lời rất rõ ràng: ai có hai áo thì chia sẻ với người không có áo, ai có chức quyền thì đừng áp bức người cô thế, ai có của ăn của mặc thì hãy nhớ đến những người không có gì để ăn...

Câu trả lời rất rõ ràng và thực tế của ngài đã làm cho bạn và tôi, và tất cả những người Ki-tô hữu- hiểu rõ thêm về giới luật yêu thương của Chúa Giê-su, Ngài không bắt chúng ta phải từ khước những gì mình có, nhưng ngài mời gọi chúng ta hãy mở rộng tâm hồn ra để đón nhận Thiên Chúa nơi người anh em của mình. Đó chính là cách kiểm thảo hay nhất và hiệu quả nhất, khi mỗi người trong chúng ta tự hỏi: tôi phải làm gì đối với những anh chị em bất hạnh chung quanh tôi ?

2. Biết mình là ai ?- Thánh Gioan Tiền Hô đã biết mình là ai, ngài biết mình không phải là đấng cứu thế, cũng không phải là đấng phải đến, nhưng ngài biết mình chỉ là kẻ dọn đường cho người đến sau nhưng cao trọng hơn mình, đó là Chúa Giê-su.

Biết mình là ai chính là thái độ đổi mới cách chân thành không ồn ào của người được ánh sáng Lời Chúa soi sáng :

- Họ biết mình là người có nhiều khuyết điểm hơn anh chị em nên họ không phê bình ai.

- Họ biết mình còn có rất nhiều những thói hư tật xấu cần phải sửa đổi, nên họ luôn cầu xin sự thứ tha của Thiên Chúa.

- Họ biết mình là người không xứng đáng để trở nên linh mục, tu sĩ của Chúa, nên họ luôn khiêm tốn cầu xin cho được sống xứng đáng với ơn gọi của mình...

Bạn thân mến,

Thánh Gioan Tiền Hô đã biết mình là người không xứng đáng cởi dây giày cho Chúa Giê-su, nên ngài đã được Chúa Giê-su cất tiếng khen cách đặc biệt: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.”[Mt,1,11]

Nếu bạn và tôi luôn biết mình là ai, thì chúng ta sẽ đem hi vọng đến cho người chung quanh, bởi vì hoa trái của hi vọng chỉ được đâm chồi nẩy lộc trên cây khiêm tốn mà thôi. Đó cũng là ý nghĩa của Tin Mừng chủ nhật hôm nay vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
-----------
Lm. Giuse maria Nhân tài, Csjb.

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

Tin mừng : Lc 3, 1-6

“Hết mọi người phàm sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Bạn thân mến,

Ơn cứu độ của Chúa Giê-su không chỉ dành cho bạn và tôi hay một người nào, một dân tộc nào, hay một quốc gia nào cả, nhưng nếu ai thành tâm đón nhận Ngài thì sẽ được ơn cứu độ...

Thời của thánh Gioan Tẩy Giả mọi người Do Thái đều trông đợi vị cứu tinh đến như lời tiên tri I-sai-a loan báo: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi...”, cho nên ơn cứu độ đã đến với nhân loại, mà trước hết là với người Do Thái nhưng họ đã từ chối đón nhận Đấng cứu độ, và kế đến là tất cả chúng ta, những người đã tin vào Chúa Giê-su nhưng vẫn cứ từ chối Ngài trong cuộc sống của mình...

Dọn tâm hồn cho ngay thẳng đối với người Ki-tô hữu là đi xưng tội, làm việc đến tội, hi sinh hãm mình.v.v... đương nhiên đó là những việc phải làm mà tất cả những ai là con cái Thiên Chúa đều phải có, nhưng trưởng thành hơn, rốt ráo hơn đó chính là đổi mới cách sống của mình sao cho phù hợp với Tin Mừng của Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Đổi mới cách sống cũng có nghĩa là từ trong nấm mồ tối tăm bừng dậy phục sinh với Chúa Ki-tô : hoàn hảo hơn, đẹp hơn và vinh dự hơn.

Hoàn hảo hơn trong cách sống làm người Ki-tô hữu với tấm hồn khiêm cung và phục vụ; đẹp hơn trong cách nhìn tha nhân với tâm hồn của tình huynh đệ chân thành trong Chúa Ki-tô; vinh dự hơn khi hiểu được mình mang tên Ki-tô hữu để xây dựng một xã hội bác ái hơn. Đó chính là cách thế để dọn tâm hồn cho ngay thẳng đợi Chúa đến trong thời đại ngày nay của chúng ta.

Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ, nhưng không phải tất cả mọi người phàm được cứu độ, bởi vì ơn cứu độ chỉ cứu những ai tin và và đón nhận Tin Mừng của Chúa Ki-tô mới đáng được lãnh nhận mà thôi. Là những người Ki-tô hữu, bạn và tôi hãnh diện vì đã tin và sống đức tin ngay tại trần gian này, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và nhờ đời sống tin yêu và hi vọng của chúng ta vào Thiên Chúa mà mọi người biết đến ơn cứu độ của Ngài.

Bạn thân mến,

Thiên Chúa đã làm người nên Ngài cũng rất thích đi trên những con đường bằng phẳng và thẳng tắp để đến với bạn và tôi, nhưng đồng thời Ngài cũng không ngần ngại cúi xuống nhặt những hòn sỏi làm vấp chân người khác, để thánh hoá và chúc lành cho nó trở nên dụng cụ hữu ích cho tha nhân.

Dọn đường cho ngay thẳng là việc mà bạn và tôi cần phải làm, để đường đi từ trái tim của chúng ta đến tâm hồn của tha nhân gần hơn, dễ hơn và thân tình hơn; lấp đầy những hố sâu là việc mà chúng ta phải làm từng giây phút trong cuộc sống, để tha nhân đến với chúng ta cách dễ dàng hơn, mà không bị ngăn cách bởi tính kiêu ngạo và khoe khoang của chúng ta, đó chính là chuẩn bị cho mọi người nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------

Lm Giuse Maria Nhân Tài, Csjb.

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Tin mừng : Lc 21, 25-28; 34-36

“Anh em sắp đựoc ơn cứu độ”.

Bạn thân mến,

Hôm nay chủ nhật thứ nhất mùa vọng, tức là bắt đầu một năm phụng vụ mới, năm C.

Mùa vọng là mùa trông đợi, ai đã từng trông đợi thì đều cảm nghiệm được sự bồn chồn lo lắng, hồi hộp pha lẫn niểm vui của đợi chờ :

- Như em bé đợi mẹ đi chợ về,

- Như người yêu đợi người tình,

- Như nhà nông đợi ngày thu hoạch,

- Như ruộng khô hạn trông mưa.

Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã đưa ra cho chúng ta thấy một viễn cảnh tương lai ngày Con Người đến trong vinh quang, Ngài mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và đợi chờ, trong lúc đợi chờ ngày trọng đại ấy đến thì sẽ có nhiều điềm thiêng dấu lạ xuất hiện trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao, nhân loại sẽ lo âu và sợ hãi khi ngày ấy đến.

1. Dấu hiệu của thời đại.

Dấu hiệu của thời đại ngày càng rõ rệt hơn, ứng nghiệm với lời cảnh báo của Chúa Giê-su trong bài tin mừng hôm nay, dấu hiệu trước tiên mà nhân loại có thể thấy được, sờ được, đó chính là chiến tranh, đói khát và ôn dịch, với dấu hiệu ấy, người Ki-tô hữu chỉ có một thái độ duy nhất là ngẫng đầu lên vì ơn cứu độ đã đến.

Nhưng thực ra, ơn cứu độ đã đến hơn hai ngàn năm nay rồi, và thời viên mãn của nó cũng đang đến gần khi những điềm thiêng dấu lạ mà Chúa Giê-su đã loan báo đã và đang xảy đến.

Người Ki-tô hữu là những người nhạy bén nhất trước những hiện tượng xảy ra của thời đại, bởi vì hằng ngày họ đều được nghe và suy gẫm lời dạy của Chúa Giê-su, và vì thế họ từng giây từng phút tỉnh thức và chuẩn bị ngày quang lâm của Ngài.

2. Tỉnh thức và đề phòng

Chúa Giê-su mời gọi chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện, tức là Ngài muốn chúng ta phải sẵn sàng luôn trong mọi hoàn cảnh và tình huống, bởi vì :

- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng, đó là những người ăn thua đủ bên canh bạc thâu đêm.

- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng, đó là những người đang say đắm trong đam mê xác thịt, thân xác thì thức để chờ đợi và thỏa mãn cơn khát vọng của nhục dục, nhưng tâm hồn thì đã ngủ mê trong tội lỗi.

- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng cảnh giác, đó là những người kiêu ngạo, họ tỉnh thức trong kiến thức hạn hẹp của mình khi ai đó phê bình góp ý cho việc làm của mình, nhưng tâm hồn thì đã thoả mãn trong sự đắc thắng của mình...

Người Ki-tô hữu không thức tỉnh để ăn thua với canh bạc, vì đó là chuyện của con cái tối tăm; người Ki-tô hữu cũng không tỉnh thức để chờ đợi cuộc nhậu thâu đêm, bởi vì đó là chuyện của con cái ma quỷ, nhưng người Ki-tô hữu tỉnh thức để chờ đợi ngày sum họp với Chúa Giê-su, Đấng đã và đang đến trong cuộc sống của họ...

Bạn thân mến,

Mùa vọng không những giúp cho chúng ta biết thức tỉnh và chờ đợi ngày Chúa đến trong vinh quang để phán xét, mà còn thức tỉnh chờ đợi Chúa đến với mỗi người chúng ta nữa, bởi vì dấu hiệu của thời đại trước hết không ở đâu xa, mà nó ở ngay trong con người của mình, chính là :

- Khi chúng ta sung sướng hưởng thụ vật chất là dấu hiệu của những ngày đói khổ của linh hồn.

- Khi chúng ta phê bình chỉ trích anh em chị em, là dấu hiệu ngày phán xét công thẳng và kinh khiếp đối với linh hồn và thân xác.

- Khi chúng ta kiêu căng ngạo mạn với mọi người, là dấu hiệu của người bị hạ xuống tận cùng vực sâu.

- Khi chúng ta vu oan giá hoạ cho người, thì đó là dấu chỉ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa lên án trong ngày chung thẩm...

Người biết chờ đợi, tỉnh thức và nhìn dấu chỉ của thời đại là người khôn ngoan và hạnh phúc, bởi vì họ đã sẵn sàng...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

-------

Lm. Giuse Maria Nhân tài, Csjb.


Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mc 12, 38-44.

“Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.”

Bạn thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay có hai bối cảnh rất nổi bật để cho chúng ta so sánh, hai bối cảnh này không phải tự nhiên mà bạn và tôi khám phá ra, nhưng là do Chúa Giê-su –Đấng luôn yêu thích sự khiêm tốn- chỉ ra cho chúng ta thấy, hai bối cảnh đó là: sự khoe khoang, kiêu ngạo xúng xính trong bộ áo sang trọng của các kinh sư, và sự nghèo khó nhưng quảng đại của người đàn bà goá.

Chúa Giêsu rất không thích sự kiêu ngạo, cho nên Ngài rất nhạy cảm nhận ra sự đối chọi giữa kiêu ngạo và khiêm tốn, giữa khoe khoang và kín đáo của các kinh sư và những người dân nghèo khó nhưng rất hảo tâm.

Qua mọi thời đại, cái kiêu ngạo luôn luôn bị người ta kết án, bởi chính kiêu ngạo thường làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa nơi con người và giữa con người với nhau. Kiêu ngạo khoe khoang xúng xính trong bộ áo thụng sang trọng của các kinh sư đã làm cho họ cách xa quần chúng, và lời giảng dạy của họ như gió thổi mây bay qua tâm hồn của người nghe, mà đa số là những người nghèo khó bần cùng trong xã hội. Họ giảng dạy như cái phèng la rỗng tuếch vang to, nhưng lại làm điếc tai người nghe vì những xa hoa và thói khoe khoang của họ, cho nên, Chúa Giê-su đã dặn dò các môn đệ của mình: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng...”, và cũng ngụ ý nghiêm khắc cảnh cáo bạn và tôi: đừng có trở nên những người kiêu ngạo khoe khoang với những gì mình đang có với tha nhân.

Chúa Giê-su rất yêu mến những người khiêm tốn, cho nên Ngài đã nhận ra ngay tấm lòng hảo tâm của người đàn bà nghèo khó goá bụa, bởi vì bà đã đem hết gia tài của mình có bỏ vào hòm dâng cúng, hoặc chúng ta có thể nói, bà đã đem cả mạng sống của mình để làm công việc bác ái mà không khoe khoang.

Chúa Giê-su không những đã cảm nghiệm được sự khiêm tốn chính là nền tảng để đón nhận mọi nguồn mạch ân sủng, nhưng Ngài còn sống triệt để sự khiêm tốn khi trở thành một con người nghèo khó hơn cả chúng ta, do đó, Ngài đã nói với các môn đệ : “Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn hết...”, giá trị của sự khiêm tốn là ở đó: dâng hết những gì mình có mà không khoe khoang, không đánh trống rung chuông báo cho mọi người biết công việc bác ái mình đã làm.

Hạt lúa gieo xuống đất âm thầm đâm chồi nảy lộc không khoe khoang, không xúng xính, nhưng đã nuôi sống con người bằng những hạt lúa no tròn, đó là thành quả của sự huỷ mình ra không.

Bạn thân mến,

Có nhiều giáo dân không thèm đi lễ nhà thờ của giáo xứ mình, bởi vì họ không chịu được sự phách lối của mấy ông bà trong ban hành giáo; có một vài giáo dân bỏ tiền bỏ của ra cho hội từ thiện này, hội từ thiện nọ để được báo chí khen ngợi, nhưng chưa bao giờ họ mua một bó hoa tặng Đức Mẹ trong nhà thờ nghèo khó của mình...

Người đàn bà goá nghèo chỉ bỏ vào thùng hai đồng tiền kẽm, nhưng Chúa Giê-su đã khen bà là người dâng cúng nhiều nhất, vì gia tài của bà chỉ có chừng ấy, nhưng cái thâm thuý nhất nơi hành động của người đàn bà goá nghèo chính là: bà biết phó thác cuộc sống hôm nay và ngày mai của mình cho Thiên Chúa duy nhất của bà.

Thiên Chúa cũng sẽ khen ngợi bạn và tôi như thế, khi chúng ta biết vì tha nhân mà phó thác cuộc sống của mình trong tay Ngài.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------
Lm. Giuse-Maria Nhân Tài, Csjb.

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

LỄ CÁC LINH HỒN

(Ngày 2 tháng 11)

Bạn thân mến,

Hôm qua chúng ta đã mừng lễ kính các thánh nam nữ, các ngài là những người tôi trung của Thiên Chúa, hôm nay chúng ta dâng lễ cầu cho các linh hồn trong luyện ngục, các ngài là những người đã sống và tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, nhưng chưa trọn vẹn, do đó các ngài phải tạm thời chưa được diện kiến Thiên Chúa, và phải đền tội trong luyện ngục cho đến khi đền tội xong...

Giáo lí công giáo dạy chúng ta rằng: có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết.

Các linh hồn trong luyện ngục tự mình không thể làm gì được để được Chúa tha tội, ở đó họ chỉ trông mong có một điều là hình phạt mau qua để chóng được hưởng nhan thánh Chúa, do đó họ rất cần đến lời cầu nguyện của chúng ta, cần đến những việc lành phúc đức và những hi sinh của chúng ta là những người đang còn sống ở thế gian.

Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội đã dành hẳn tháng mười một trong năm để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, một tháng với biết bao nhiêu là việc lành mà chúng ta làm, với biết bao nhiêu là thánh lễ mà chúng ta tham dự cách sốt sắng, với biết bao hi sinh mà chúng ta đã thực hiện, thì chắc chắn có rất nhiều linh hồn trong luyện ngục được thoát khỏi hình phạt luyện ngục mà về thiên đàng hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa.

Tín điều các thánh thông công được thấy rõ nhất trong tháng này, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được hiệp thông với các thánh khải hoàn trên trời, chúng ta góp phần giải thoát các linh hồn trong luyện ngục bằng các lời kinh nguyện và việc lành của chúng ta, và nhờ bí tích Rửa Tội mà chúng ta –những tín hữu chiến đấu ở trần gian- được hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa Giêsu.

Bạn thân mến,

Ai trong chúng ta cũng đều có người thân qua đời, nếu họ đã được hưởng hạnh phúc thiên đàng, thì họ sẽ cầu bầu cho chúng ta trước toà Thiên Chúa, nếu họ đang bị giam cầm trong luyện ngục thì họ đang rất cần đến lời cầu nguyện và những hi sinh của chúng ta, mỗi lời nguyện, mỗi việc lành của chúng ta làm, thì như những giọt nước mát mẻ làm nguôi cón giận của Thiên Chúa và thâu ngắn thời gian đền tội của họ trong luyện ngục.

Tháng Mười Một cũng là tháng báo hiếu của con cái đối với ông bà cha mẹ đã qua đời. Xin lễ cầu nguyện, lần chuổi Mân Côi, làm việc lành phúc đức.v.v... là những cách báo hiếu của chúng ta vậy...

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngôi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng- Amen.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
---------
Lm. Giuse-Maria Nhân Tài.

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

LỄ CÁC THÁNH

Tin Mừng: Mt 5, 1-12a.

“Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

Bạn thân mến,

Mục đích của chúng ta sống ở đời này chính là thực hành thánh ý của Thiên Chúa, xây dựng cuộc sống ở trần gian tốt đẹp đầy hơn, đầy tình huynh đệ hơn giữa mọi người, để ngày sau được hưởng phúc thiên đàng với Thiên Chúa. Và các thánh nam nữ trên thiên đàng của chúng ta, cũng đã làm trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa ngay khi con ở thế gian này.

1. Nên thánh là bổn phận của người Ki-tô hữu.

Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con là Đấng trọn lành ở trên trời”. Cốt lõi cuộc sống của bạn và tôi cũng như của tất cả mọi người Ki-tô hữu là ở đó: sống lành thánh như Chúa Giê-su đã dạy. Do đó mà tất cả những ai là người Ki-tô hữu đều có bổn phận phải trở nên trọn lành ở trong cuộc sống của mình, để sau này khi từ giã cõi đời thì được sum vầy hạnh phúc với Thiên Chúa trên thiên đàng.

Các thánh nam nữ mà Giáo Hội Công Giáo của chúng ta đang mừng kính hôm nay, là những người đã thực hiện trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa khi còn ở đời này. Các ngài đã anh dũng và yêu mến thực hành Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giê-su dạy; các ngài đã hy sinh tất cả những gì mình có để sống nghèo khó như Chúa Giê-su, đã yêu thương tha nhân như Chúa Giê-su, đã vì công chính mà bị bắt bớ hành hạ và bị giết như Chúa Giê-su, đã xây dựng tinh thần Phúc Âm ở trong cuộc sống của mình như Chúa Giê-su, đã vì anh em đồng loại mà bị vu họa cáo gian.v.v...để rồi giờ đây các ngài như những ánh sao sáng trên trời, trở thành gương mẫu yêu Chúa yêu người cho tất cả mọi người chúng ta.

2. Nên thánh, phải bắt đầu từ bây giờ.

Các thánh nam nữ là những con người đầy những yếu đuối và bất toàn như bạn và tôi, các ngài cũng có những giây phút yếu lòng trước cám dỗ, cũng có những lần phạm những tội trọng, trở nên gương xấu cho người khác. Nhưng các ngài đã biết trông cậy vào ơn Chúa để đứng dậy sau mỗi lấn phạm tội, các ngài đã biết bất đầu từ nơi té ngã mà quyết tâm đứng lên, vì các ngài đã hiểu được Lời Chúa qua lời giảng dạy thánh Phao-lô tông đồ: ở đâu tội lỗi ngập tràn thì ở đó tràn đầy ân sủng.

Các thánh nam nữ là những người đã quyết tâm làm lại cuộc sống từ đầu, cho nên các ngài đã trở thành những bạn hữu thân tình của Chúa Giê-su, bởi vì những ai yêu mến và thực hành điều Ngài dạy, thì sẽ trở nên những bạn hữu của Ngài.

Bạn thân mến,

Tín điều các thánh thông công mà Giáo Hội dạy chúng ta giờ đây nổi bật nhất trong tháng 11 này. Hôm nay (1.11) Giáo Hội trên trần gian là chúng ta (Giáo Hội lữ thứ) mừng kinh các thánh nam nữ trên thiên đàng (Giáo Hội khải hoàn), ngày mai (2.11) chúng ta lại nhớ đến các linh hồn trong luyện ngục (Giáo Hội đau khổ) để cầu nguyện cho các ngài. Đó chính là hiệp nhất của Giáo Hội làm nổi bật thân thể mầu nhiệm của Chúa Giê-su trong Giáo Hội của Ngài.

Bạn và tôi cũng như những người Ki-tô hữu khác, luôn nhớ đến cầu xin các thánh nam nữ trên thiên đàng cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta được sống tốt lành như các ngài đã sống, để ngày sau hưởng phúc thiên đàng với Thiên Chúa, với Đức Mẹ Maria và với các thánh nam nữ của chúng ta.

Lạy các thánh nam nữ trên trời, xin cầu bầu cho chúng con.

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

CHÚA NHẬT 30 TN

Tin mừng : Mc 10, 46-52

“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”.

Bạn thân mến,

Tuần này, Giáo Hội đưa ra một vấn đề cho mỗi người trong chúng ta tự trả lời, đó là Đức Tin của mình và lòng thương xót của Chúa có phù hợp ăn khớp với nhau không trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta –những người Ki-tô hữu ? Chúng ta cùng nhau chia sẻ hai vấn đề này :

1. Đức tin là điều kiện để nhận ơn lành của Chúa.

Chúa Giê-su chữa lành bệnh tật dễ như chúng ta lấy đồ vật trong túi ra, nhưng quan trọng hơn đó chính là đức tin của người mù, cũng như đức tin của những người đến xin Chúa chữa lành bệnh cho họ. Nếu họ không có đức tin, hoặc là họ không tin Chúa Giê-su sẽ làm được, thì việc chữa lành khó khăn gấp nhiều lần, do đó, đức tin là điều quan trọng nhất đối với chúng ta. Đức tin làm cho bạn và tôi thấy được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của mình cũng như trong cuộc sống của anh chị em khác, và nhờ đức tin mà lời cầu nguyện của chúng ta có một “sức mạnh” trước mặt Thiên Chúa.

Con người ta có thấy mới tin, nhưng người mù thành Giêricô đã nghe (chứ không thấy) và đã tin, ông ta đã nghe bằng hai lỗ tai xác thịt, nhưng ông đã “thấy” bằng con mắt đức tin, và cái “thấy” này đã làm cho ông ta mạnh dạn tin tưởng rằng Chúa Giê-su có thể làm cho ông được sáng mắt, và do đó bất chấp sự can ngăn của mọi người, bất chấp lời quở mắng của đám đông dân chúng, ông vẫn cứ kêu xin Chúa Giê-su dủ lòng thương xót ông, và rồi đức tin của ông đã chữa ông như lời của Chúa Giê-su nói.

2. Lòng thương xót của Chúa và đức tin của chúng ta.

Trong toàn bộ các sách Phúc Âm bạn và tôi đều thấy được tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giê-su trãi dài trên các chặng đường mà Ngài đã đi qua, nơi các địa phương mà Ngài đã đến, nơi đâu Ngài cũng bày tỏ một tâm tình yêu mến và xót thương dân chúng, bởi vì họ như đàn chiên không người dẫn dắt. Nhưng không phải vì thế mà Chúa Giê-su dễ dãi làm phép lạ cho họ, bằng chứng là Ngài đã không làm một phép lạ nào ở quê nhà, bởi vì họ không có lòng tin, hay nói cách khác, họ đã coi thường khinh dễ Chúa Giê-su khi họ cùng nhau bàn luận: “Ông này không phải là con của bác thợ mộc Giu-se sao ...?”

Bệnh tật phần xác có liên quan đến phần hồn, bệnh phần xác là ngọn, bệnh phần hồn là gốc, chữa gốc thì ngọn cũng lành, cho nên khi nói với người mù: “Anh hãy về đi, đức tin của anh đã cứu anh”, thì Chúa Giê-su cũng mặc khải cho chúng ta thấy một điều rất quan trọng: lòng thương xót của Ngài vốn đã có trên con người chúng ta, bao trùm cả vũ trụ, chỉ cần chúng ta tin, thì mọi việc sẽ được giải quyết nhẹ nhàng. Bởi vì đức tin thuộc về hồn và chữa lành thuộc về xác, khi chúng ta tin là lúc chúng ta được chữa lành. Muốn thì được.

Bạn thân mến,

Có những người tin nhưng vẫn còn hồ nghi vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa; có những người tin nhưng đức tin của họ được đo bằng vật chất, bởi vì khi cầu xin mà không được thì oán trách và bỏ cuộc; có những người tin nhưng lòng tin “chập chờn” trước những thử thách mà có lúc họ cho rằng Thiên Chúa không tồn tại...

Thánh lễ Mi-sa là nơi mà Chúa Giê-su tỏ lộ lòng thương yêu vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại, và là nơi mà đức tin của mỗi người trong chúng ta được củng cố kiện toàn nhất, bởi vì nơi đây –thánh lễ- bạn và tôi được ăn và uống Máu Thịt của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng chữa lành bệnh tật trong tâm hồn và nơi thân xác của con người.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

TRUYỀN GIÁO THEO GƯƠNG MẸ TÊRÊXA

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội cầu nguyện cho việc truyền giáo. Ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị tuyên phong Mẹ Têrêxa lên bậc Chân Phúc mà ta quen gọi là Á thánh cũng là ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo. Và Đức Thánh Cha khuyên nhủ chúng ta hãy truyền giáo theo gương Mẹ Têrêxa. Vậy Mẹ Têrêxa là ai và Mẹ đã truyền giáo như thế nào?


1- CUỘC ĐỜI

Mẹ Têrêxa sinh tại nước Anbani cũ. Mẹ đã xin gia nhập dòng Đức Mẹ Loretto và được sai đi Ấn độ để phục vụ nguơì nghèo. Khi đến Ấn độ, Mẹ được chứng kiến cả một đại dương mênh mông những người nghèo đói. Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi nằm la liệt ngoài đường. Những người già cả bệnh tật nằm chờ chết bên những đống rác, và khi chết, bị vất vào đống rác như một con thú vật. Xúc động trước cảnh nghèo khổ. Mẹ lăn xả vào phục vụ người nghèo. Việc đầu tiên là mở những trung tâm đón tiếp, đưa những người hấp hối ngoài đường về, săn sóc để họ được chết như một con người. Rồi mở cửa nhà cô nhi nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi. Rồi mở bệnh viện chăm sóc chữa trị những người nghèo khổ. Rồi mở trường cho trẻ em nghèo đến học. Công việc càng ngày càng phát triển. Số người theo giúp Mẹ càng ngày càng đông. Chẳng bao lâu, một dòng mới được thành hình với tên Nữ tử Thừa sai Bác ái. Ngoài 3 lời khấn như những nữ tu khác, còn có lời khấn phục vụ người nghèo. Mẹ được thế giới biết tiếng. Cả thế giới gọi Mẹ là Mẹ Têrêxa. Khi Mẹ qua đời, 80 nhà lãnh đạo quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có phu nhân tổng thống Mỹ Bill Cliton và phu nhân tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đến nghiêng mình kính cẩn trước thi hài của Mẹ. Nước Ấn độ có đa số dân theo Ấn độ giáo, vốn không ưa đạo Công giáo, thế mà đã nghi thức quốc táng cho Mẹ,đã bắn hai mươi mốt phát súng đại bác tiễn đưa linh hồn Mẹ về thiên đàng.


2- TRUYỀN GIÁO

Mẹ Têrêxa đã truyền giáo cách nào mà thành công như thế? Thưa, Mẹ đã dùng 4 phương cách sau:

· Phương cách thứ nhất: cầu nguyện. Có nhiều người tưởng Mẹ Têrêxa là con người hoạt động. Không phải thế. Trước hết Mẹ là con người cầu nguyện. Những giờ cầu nguyện triền miên phát xuất từ nỗi niềm khao khát Chúa. Cầu nguyện đã đưa Mẹ đến phục vụ người nghèo. Rồi việc phục vụ người nghèo đã đưa Mẹ trở về với kinh nguyện. Dòng chảy cầu nguyện liên lỷ không bao giờ ngừng. Có thể nói cuộc đời Mẹ là cuộc đời chiêm niẹâm trong hoạt động.

· Phương cách thứ hai: thấm nhuần Lời Chúa. Mẹ tha thiết yêu mến Lời Chúa. Lời Chúa thấm vào tận mạch máu thớ thịt, để Mẹ suy nghĩ, nói năng và hành động theo Lời Chúa. Mẹ thường nói: Lời Chúa phải ở trên đầu ngón tay ta. Theo Mẹ 5 từ ngữ quan trọng khắc ghi tên 5 đầu ngón tay của Mẹ là: You did it for me. Đó là 5 từ tóm tắt 25 chương Tin Mừng theo thánh Mátthêu: “Mỗi lần các con làm những việc này cho một trong những anh em bé nhỏ nhất, đó là các con làm cho Thày”.

· Phương cách thứ ba: yêu mến người nghèo. Nơi Mẹ, yêu mến người nghèo không phải là cảm tính nhất thời. Yêu mến người nghèo thực sự phát xuất từ một đức tin sâu xa. Tin thật Thiên Chúa đang ở trong nhưng người nghèo. Vì yêu mến người nghèo Mẹ đã tự nguyện sống nghèo. Mẹ sống trong một căn phòng đơn sơ, chỉ có một chiếc giường, một bàn nhỏ, một ngọn đèn và một chậu nước.

· Phương cách thứ tư: phục vụ bằng tình yêu. Vì tin Chúa đang ngự trong người nghèo, nên phục vụ người nghèo chính là phục vụ Chúa. Vì thế, phục vụ người nghèo là một bổn phận phải thực hiện trong khiêm nhường. Phải phục vụ một cách kính cẩn. Phải phục vụ bằng tình yêu.

Giữa thế kỷ 20 tôn trọng vật chất, quay lưng lại với đời sống tâm linh, Mẹ Têrêxa đã trở nên một nhân chứng sống động của thế giới thần linh. Giữa nước Ấn độ xa lạ với Kitô giáo, Mẹ Têrêxa đã trình bày được khuôn mặt dễ thương dễ mến của Chúa, làm cho mọi người yêu mến đạo Cháu. Mẹ xứng danh là nhà truyền giáo của thế kỷ 20. Giữa những bế tắc Mẹ đã khai thông một lối đi. Lối đi vào thẳng trái tim con người. Trong bóng tối dày đặc, Mẹ đã thắp lên một ngọn đèn. Ngọn đèn đó chiếu lên ánh sáng niềm tin. Giữa trần gian lạnh lẽo, Mẹ đã đốt lên ánh lửa yêu mến. Ánh lửa đó sưởi ấm tình người.

Năm 2010 sắp tới được Hội đồng Giám mục Việt Nam chọn làm Năm Truyền Giáo. Chúng ta hãy noi gương Mẹ Têrêxa, biết tha thiết cầu nguyện, biết yêu mến Lời Chúa, nhất là biết yêu mến người nghèo và biết phục vụ bằng tình yêu. Để mỗi người Công giáo thực sự là một ngọn đèn chiếu toả ánh sáng của Chúa. Để mỗi người Công giáo là một niềm vui cho những người chung quanh.

Lạy Chân Phúc Têrêxa, xin cầu cho chúng con. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Mẹ Têrêxa đã truyền giáo bằng những phương cách nào?

2- Trong hoàn cảnh của bạn, bạn có thể thực hiện phương cách nào trong 4 phương cách của Mẹ Têrêxa để truyền giáo?

3- Qua cuộc đời Mẹ Têrêxa, bạn thấy ngày nay còn có thể truyền giáo được không?

---------

Đức TGM. Ngô Quang Kiệt

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

CHUỖI NGỌC MÂN CÔI


CHUỖI NGỌC MÂN CÔI
Mừng tháng Mân Côi- Quan thầy giáo xứ.
Nguyện xin Mẹ Maria luôn đồng hành cùng chúng con.


Một thế giới đang suy đồi trầm trọng,

Như đoàn tàu chạy trệch hướng đường ray.

Lao thẳng vực sâu tội lỗi, kiếp đọa đày,

Khoa học tiến bộ,

Phương tiện tối tân,

Cuộc sống hiện đại,

Đang tiếp tay hủy hoại con người trong lạc thú.


Danh vọng, tiền tài lòng tham lam tích tụ,

Thác loạn trần gian, lắm kẻ rao bán linh hồn.

Tâm trí lu mờ chọn quỷ dữ suy tôn,

Kiếp nô lệ, làm tay sai để ác thần thống trị.


Để thoát họa diệt vong Mẹ gọi mời liên lỉ,

Lộ Đức, Fatima , Mẹ thống thiết kêu xin.

Cứu nguy thế giới, hãy hiệp sức chân tình,

Ăn năn sám hối,

Tôn sùng Mẫu Tâm,

Siêng năng cầu nguyện bằng lời kinh Mân Côi trìu mến.


Lời kinh Mân Côi nồng nàn con dâng tiến,

Theo gót Chúa Giêsu và Mẹ,

đi vào lịch sử cứu độ trần gian.

Đưa nhân loại tối tăm, thấy ánh sáng thiên đàng,

Con đường Vâng Phục Thánh Ý,

là đường ngay nẻo chính,

kéo đoàn tàu nhân loại quay về cùng Thiên Chúa.


Lời kinh Mân Côi đổ tràn đầy mật sữa,

Khơi dậy trong con nguồn mạch sống đức tin.

Là khí giới tấn công, là thuẫn bảo vệ mình,

Chống lại cám dỗ,

xua đuổi quỷ ma,

Noi gương Mẹ, con cúi đầu tuân hành Thánh Ý.


Lời kinh Mân Côi: Bài tình ca tuyệt mỹ,

Xua tan những bất hòa, hằn gắn vết thương đau.

Chốn gia trang, hy sinh, sớm tối nguyện cầu,

Mẹ sẽ chiếu soi,

Hạnh phúc quay về,

Hồng ân Chúa tuôn trào lai láng.

Lời Kinh Mân Côi Vui – Thương – Mừng – Sáng,

Chuỗi ngọc trân châu thơm ngát cả vườn hồng.

Như ánh dương nồng chiếu sáng hừng đông,

Thiết tha con gọi Mẹ,

Maria – Nữ Vương Mân Côi,

Kính mừng Mẹ - Nữ Vương đầy ơn phúc.

---------

A.P Mặc Trầm Cung

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

CHÚA NHẬT 28TN

KHÔN NGOAN

Câu chuyện chàng thanh niên giàu có tốt lành có một khởi đầu tốt đẹp. Đẹp cho đến nỗi Chúa nhìn và đem lòng yêu thương anh. Nhưng lại có một kết thúc đáng buồn. Anh thanh niên bỏ đi buồn bã vì không thể theo Chúa. Chúa Giêsu cũng buồn vì anh gắn bó với tiền bạc hơn yêu mến Chúa.

Câu chuyện người thanh niên có thể là câu chuyện của mỗi người. Cũng như chàng thanh niên, bình thường ta giữ đạo rất dễ dàng. Sáng đi lễ, chiều đọc kinh, không làm điều gì gian ác, không bất công tham lam của người khác. Nhưng khi gặp mâu thuẫn giữa cuộc sống với việc đạo, phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và những giá trị trần gian, nhiều khi ta nao núng và rất nhiều người đã vì những giá trị trần gian mà bỏ Chúa. Có những người khi còn nghèo túng thì giữ đạo rất tốt. Nhưng khi đứng trước những cám dỗ của tiền của thì vì ham mê tiền của mà sống gian dối, đánh mất lương tâm Công giáo. Có những người khi còn nhỏ thì rất ngoan ngoãn đạo đức, nhưng khi đến tuổi trưởng thành thì vì thú vui mà bỏ quên việc đạo. Nhưng nhất là có những người vốn con nhà đạo gốc rất sốt sắng, nhưng khi gặp cám dỗ về chức quyền thì vì một chút danh vọng, đành bỏ Chúa, bỏ đạo.

Theo suy nghĩ của người đời, những ai tìm được tiền của, đạt được danh vọng, nay lên chức mai lên quyền, là những người tài khéo khôn ngoan. Nhưng đó chỉ là khôn ngoan nhất thời kiểu trần gian. Vì cuộc sống trần gian có hạn. Con người ai cũng phải chết. Chết rồi có ai mang theo được của cải, danh vọng, chức quyền vào thế giới bên kia đâu. Thế mà cuộc sống sau cái chết mới là quan trọng, vì là cuộc sống vĩnh cửu không bao giờ phai tàn.

Chúa muốn ta đừng gắn bó với của cải nhưng phải gắn bó với Chúa, không phải vì Chúa muốn con cái phải khổ sở, hèn hạ. Nhưng vì Chúa muốn cho ta chọn con đường khôn ngoan, để đạt tới hạnh phúc đích thực, vĩnh cửu.

Ta đi đạo để chọn Chúa. Vì chọn Chúa ta phải từ bỏ tất cả những gì ngăn cản ta đến với Chúa. Những cản trở có thể là tiền bạc, danh vọng, chức quyền. Những cản trở cũng có thể là một người mà ta gắn bó, một nơi mà ta không thể dứt bỏ. Những cản trở đó cũng có thể là một lòng tự ái, một sự ghen ghét, bất mãn.

Nếu ta biết bỏ tất cả những gì cản trở để đến với Chúa ta sẽ đạt được chính Chúa. Được Chúa là được tất cả. Vì Chúa là hạnh phúc viên mãn. Được Chúa rồi ta sẽ không còn khao khát gì khác nữa.

Vì thế khi thánh Phêrô hỏi Chúa: Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Chúa, chúng con sẽ được gì. Chúa đã trả lời: ai bỏ mọi sự mà theo Chúa, sẽ được gấp trăm và được sự sống vĩnh cửu. Người khôn ngoan thì phải biết nhìn xa trông rộng. Biết bỏ những mối lợi trước mắt để tìm những giá trị vĩnh cửu. Như thế yêu mến Chúa là chìa khóa của sự khôn ngoan. Chọn Chúa là chọn giá trị tuyệt đối, vĩnh cửu không gì có thể so sánh được.

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Vì Chúa chính là hạnh phúc của con. Amen.
-------------
TGM. Ngô Quang Kiệt

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

ĐỨC MẸ MÂN CÔI


Không gì đẹp hơn bằng những lời kinh nhân loại, con người dâng lên Thiên Chúa cùng với Mẹ Maria qua kinh Mân Côi trong tháng 10 mỗi năm. Con người qua muôn thời đại không lúc nào ngớt sống với Mẹ Maria mầu nhiệm cứu rỗi qua từng phút giây, qua từng biến cố trong cuộc sống. Đời con người có thể nói được đan dệt bằng nhiều chuỗi biến cố. Qua mỗi biến cố, mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa đang thể hiện ngay giây phút biến cố xẩy ra và tiếp diễn.

Mẹ Maria đã sống ơn cứu độ của Chúa Giêsu qua biến cố truyền tin. Với hai tiếng xin vâng, Mẹ đã đón nhận ơn cứu rỗi ngay trong giây phút hiện tại của lời nói xin vâng. Với Mẹ cuộc đời là một bài ca tri ân không ngừng:” Tình thương Chúa đời đời con ca ngợi”( Tv 88 ). Và giây phút nói vâng” lời chấp nhận ý định của Thiên Chúa “ là khoảng khắc đầy hồng ân Thiên Chúa trao ban cho Mẹ. Đấng Cứu Thế mà Mẹ đang cưu mang trong cung lòng trinh khiết khẳng định sâu xa: “ Ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa “. Ơn cứu độ chỉ có nơi con của Mẹ là Chúa Giêsu. Mẹ đã đón nhận giây phút truyền tin với lòng tin thẳm sâu khi sứ thần Gabrien giải thích ý định của Thiên Chúa. Mẹ đã đón nhận biến cố sinh hạ Chúa Giêsu nơi hang đá Bêlem với niềm phó thác tuyệt vời. Mẹ đón nhận biến cố đem Chúa Giêsu trốn qua Ai Cập cùng với thánh cả Giuse với niềm cậy trông bền vững. Qua việc Chúa Giêsu lạc trong đền thờ Giêrusalem khi Người lên 12 tuổi, Mẹ Maria và thánh Giuse đã đón nhận với sự phó thác tuyệt vời dù Mẹ chưa hiểu việc Con của Mẹ đang làm. Trong biến cố Con của Mẹ là Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, Mẹ đã đứng dưới chân thánh giá với cõi lòng tan nát, nhưng đầy can đảm và tin tưởng vì Mẹ biết rằng Con mẹ đã hoàn tất việc cứu chuộc nhân loại. Mẹ Maria trong mọi biến cố xẩy ra đã luôn đón nhận với tâm tình cảm mến thiết tha. Mẹ tiếp nhận mọi biến cố với giây phút hiện tại trong sáng và hân hoan.

Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi để tưởng nhớ biến cố đạo binh thánh giá chiến thắng quân Thổ vào năm 1571 tại Lê-pan nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ. Hội Thánh không muốn đề cao biến cố này như một sự vinh vang tự đắc. Nhưng Giáo Hội muốn cho nhân loại, cho mọi người biết Mẹ đã hiến toàn thân của mình cho Thiên Chúa để cùng với Ngài thực hiện công trình cứu rỗi nhân loại. Phụng vụ ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay nối kết các biến cố lớn trong đời Chúa Giêsu: Nhập Thể, Khổ Nạn và Phục Sinh.

Lễ này cũng nhắc nhở nhân loại rằng Mẹ luôn kêu gọi thế giới hoán cải. Biết bao lần Mẹ đã hiện ra ở các nơi trên thế giới, Mẹ đều mời gọi con người ăn năn, sám hối. Nhân loại có thể được cứu vãn khỏi hiểm nguy, khỏi tội lỗi, nếu họ biết hối cải. Tại Fatima, Mẹ đã lập đi lập lại nhiều lần lời này. Và phương tiện hữu hiệu nhất, tốt nhất là cầu nguyện. Cầu nguyện với Kinh Mân Côi, với chuỗi Mân Côi là phương thế tối hảo để nhân loại và con người được Chúa tha thứ và ban ơn.

Không kinh nào đẹp bằng kinh Mân Côi :” Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen “.

Xin Mẹ Maria giúp chúng con biết ăn năn sám hối và luôn biết cầu nguyện với kinh Mân Côi. Nào chúng ta cùng lẫn chuỗi với Đức Mẹ…

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2009

CHỦ NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 10, 2-16

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”

Bạn thân mến,

“Mô-đen” nổi bật nhất của gia đình trong thế giới ngày nay chính là vợ chồng li dị nhau. Li dị là một hành vi bạo lực tàn nhẫn làm tổn thương lâu dài tinh thần của con cái, là sự ích kỷ tàn nhẫn của cha mẹ đối với con cái của mình...

Con người thời nay viện cớ là phải theo đà tiến của văn minh nhân loại, của khoa học kĩ thuật để rồi từ chối và phủ nhận cái gốc của hoà bình chính là hạnh phúc gia đình, họ chối bỏ giá trị đạo đức cá nhân để a dua theo phong trào li dị mà họ cho rằng, nếu mình không theo là lỗi thời. Li dị chính là chối bỏ đạo đức căn bản trong hôn nhân mà Chúa Giê-su đã nói rõ ràng : “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân li”, Thiên Chúa đã phối hợp và chúc phúc trong sự ưng thuận một cách thong dong của người nam và người nữ, chứ không phối hợp và chúc phúc cách miễn cưỡng hay gò bó của hai người, cho nên khi họ xé bỏ khế ước hôn nhân để li dị đường ai nấy đi, thì chính họ cũng đã xé bỏ hạnh phúc của mình và con cái của mình, và hơn thế nữa, họ từ chối sự chúc lành của Thiên Chúa trên tình yêu của họ: họ không thể nào tìm kiếm lại hạnh phúc hôn nhân sau khi đã li dị...

Tình yêu chân chính là biết hi sinh cho nhau và chấp nhận những khuyết điểm của nhau, trong tình yêu vợ chồng, sự hi sinh cho nhau và chấp nhận khuyết điểm của nhau càng phải nổi bật hơn, bởi vì bao lâu họ biết chấp nhận và hi sinh cho nhau thì hạnh phúc còn ở với họ, nhưng một khi họ chỉ nhìn thấy những khổ cực của mình mà không nhìn thấy những nổi khổ của vợ (chồng) mình, thì cánh cửa hạnh phúc gia đình đang từ từ khép lại, nhốt họ trong sự ích kỉ chỉ muốn thoả mãn những đòi hỏi của cá nhân mà thôi.

Bạn thân mến,

Hạnh phúc của đời sống hôn nhân rất là quan trọng, quan trọng là bởi vì được Thiên Chúa chúc phúc, và Chúa Giê-su đã nâng lên hàng bí tích, do đó mà bạn và tôi –những người vợ người chồng- càng phải ý thức hơn nữa vai trò của mình trước mặt Thiên Chúa, đó là biết chấp nhận khuyết điểm của nhau và hi sinh cho nhau, bởi vì đó chính là những giọt mật ngọt trong tình yêu chân thật của đời sống hôn nhân theo ý của Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------
Lm. Giuse-Maria Nhân Tài.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Thánh Têrêxa Hài đồng

Một thiếu nữ chết vào tuổi 24, năm mươi năm sau trở thành mẫu gương cho toàn giáo hội. Đức Thánh Cha Piô XI rất sùng kính thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, đã đặt ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo, cho dù đời sống ngắn ngủi của Chị chỉ diễn ra giữa vùng Alenon và Lisieux và sau năm mười lăm tuổi không rời khỏi tu viện.
Thông thường Đức Giêsu cho thấy những tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của chúng ta, đường lối của Ngài không phải là đường lối của chúng ta. Tư tưởng của chúng ta xuất phát từ lòng kiêu căng, còn tư tưởng của Thiên Chúa từ sự khiêm cung; đường lối của chúng ta là nỗ lực để trở nên lớn lao, còn đường lối của Thiên Chúa đi theo con đường trở nên bé nhỏ. Người muốn đi về phía Bắc, thì buộc phải đi theo chiều ngược với hướng Nam, cũng thế để đi trên con đường của Thiên Chúa chúng ta cần phải đi theo hướng nghịch lại với hướng mà lòng kiêu căng thúc đẩy chúng ta.
Têrêxa có tham vọng và khát vọng thật lớn lao: Chị muốn vừa là người chiêm niệm vừa hoạt động, là tông đồ, là tiến sĩ, là nhà truyền giáo và tử đạo, và Chị viết rằng chị muốn tất cả mọi hình thức tử đạo. Chúa cho chị hiểu rằng chỉ có một con đường làm vui lòng Chúa: khiêm nhượng và làm người bé mọn, yêu mến Thiên Chúa với lòng đơn sơ, chân thành và phó thác như em bé đối với cha nó. ‘Tôi không đi tìm nhiều điều to lớn vượt quá sức tôi. ‘Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui’. Thánh vịnh 130 được áp dụng từng chữ một cho cuộc đời của Têrêxa.
Như thế cô thiếu nữ trẻ tuổi này mang lại sức sống cho giáo hội, một tinh thần phúc âm tinh tuyền nhắc nhớ một chân lý thiết yếu: trước khi ta dâng gì cho Thiên Chúa, cần phải biết đón nhận. Chúng ta thường thích để ý đến điều chúng ta làm cho một ai đó; Têrêxa đã hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu luôn sẵn sàng ban phát và chúng ta lãnh nhận tất cả từ nơi Ngài. Kẻ muốn đặt sự quảng đại của mình lên trên lòng nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa, là một người kiêu ngạo; kẻ đón nhận điều Thiên Chúa ban cho với lòng đơn sơ của một trẻ thơ, đạt đến sự thánh thiện: bằng lòng với việc chẳng biết làm gì và đón nhận tất cả từ nơi Thiên Chúa. Là một thái độ thiêng liêng và cũng là một ân huệ của Thiên Chúa, thật khác với sự thụ động. Têrêxa tự dâng mình như hy lễ anh hùng và đã sống cơn đau bệnh và thử thách với tất cả nghị lực và sức lực của một người khổng lồ: sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ hiện trong sự yếu hèn của Chị, tin tưởng phó thác trong tay Thiên Chúa. Như thế chị đạt được một cách diệu kỳ biến đổi thập giá thành yêu thương, một thánh giá nặng nề. Chính chị nói vào lúc cuối đời rằng chị không tin rằng chị đã có thể chịu đau khổ được đến như thế.
Hãy học bài học của lòng tin tưởng, của sự bé nhỏ, của niềm vui và cầu xin chị thánh Têrêxa giúp chúng ta như chị bước đi trong tinh thần khó nghèo và khiêm nhượng trong lòng. Chúng ta cũng sẽ giống như chị, được dòng sông an bình chảy chan hòa trong lòng.
__________________
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Trả Lời Với Trích Dẫn

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

CHÚA NHẬT 26TN

THÁCH ĐỐ

Mc.9,38-43.45.47-48

**********


Đường theo Chúa trăm ngàn thử thách,

Đòi hỏi con chịu cắt tỉa mình.

Can đảm phẫu thuật tâm linh,

Thay đổi lối nghĩ tầm nhìn vươn xa.


Bỏ tật xấu xót xa quyến luyến,

Bỏ thói quen xao xuyến tâm hồn.

Từ bỏ ngẫu tượng suy tôn,

Sùng bái vật chất bồn chồn vấn vương.

Bao cám dỗ dẫn đường tội lỗi,

Đưa con vào bóng tối u mê.

Nọc độc ngăn chặn đường về,

Yếu hèn nhu nhược thuốc mê ngấm dần.

Vượt nỗi đau những lần giải phẫu,

Tim tái tê rướm máu tiếc thương.

Chân đau nhiễm độc lạc đường,

Tay hư, mắt hỏng sầu vương ngút ngàn.


Đời tự do nhẹ nhàng thanh thoát,

Chúa gọi con dứt khoát chọn Ngài.

Đoạn tuyệt tội lỗi hôm nay,

Đón nguồn hạnh phúc lâu dài thiên thu.


Khôn ngoan cắt bỏ khối u,

Tiếc thương vương vấn mây mù đời ai.

Chúa ơi! Con quyết chọn Ngài.

------------------------

A.P Mặc Trầm Cung

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

CHỦ NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mc 9, 30-37

“Con người sẽ bị nộp. Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải phục vụ mọi người.”

Bạn thân mến,

Cuộc sống con người nếu không có những tham vọng thì sẽ rất bằng phẳng, sẽ rất hiền hoà như nguyên tổ A-dong và E-va của chúng ta hồi ở trong vườn địa đàng, nhưng con người thì luôn có tham vọng, cái tham vọng này nhiều lúc vượt qua khả năng của con người: muốn làm lớn.

Chúa Giêsu đã ân cần dặn dò các môn đệ : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” , Ngài muốn các môn đệ phải học nơi Ngài sứ mệnh “làm lớn” tức là sứ mệnh phục vụ tha nhân trong chính bổn phận của mình. Bởi vì có nhiều người “làm lớn” nhưng không thích phục vụ; có nhiều người thích ăn trên đầu ngồi trên cổ người khác, nhưng lại chỉ tay năm ngón và coi việc phục vụ như là công việc đê hèn của các đầy tớ, đó là nguyên nhân của những bất hoà, phe phái và chiến tranh.

Chúa Giêsu đã phục vụ và Ngài coi phục vụ chính là tiêu chuẩn để làm lớn trong Nước Trời.

“Muốn làm lớn thì phải làm nhỏ” không ai lớn cho bằng Đức Giê-su, Ngài chính là Thiên Chúa, là vua vũ trụ; nhưng cũng không ai nhỏ cho bằng Đức Giê-su, Ngài chính là con người, một con người nghèo khó nhất giữa loài người, và không ai đề cao việc phục vụ như Ngài, bởi vì chính Ngài đã phục vụ trong yêu thương cho đến chết, và chết rất tội nghiệp trên cây thập giá. Đó chính là hình ảnh sống động của người “làm lớn”, là mẫu gương phục vụ cho những người muốn “làm lớn” trong cộng đoàn của mình.

Con người ta ai cũng thích được làm ông này bà nọ -trong đó có bạn và tôi- ai cũng thích được có quyền hành để sai người này bảo người kia, nhưng rất ít có người thích phục vụ người khác như một tôi tớ. Có những lúc chúng ta phục vụ mà trong tâm hồn vẫn còn vướng mắc cái mắc cỡ, coi phục vụ là việc xấu xa đê tiện của hạng đầy tớ, cho nên chúng ta miễn cưỡng khi cúi xuống vung tay vứt nắm đồng tiền cho người ăn xin bên vệ đường, và nhanh chân bước đi mà không thèm ngoái cổ nhìn lại...

Bạn thân mến,

Người làm lớn tức là người có chức có quyền trong xã hội và Giáo Hội, nhưng chức quyền của họ không làm cho người khác lớn lên trong tình thương nếu họ không biết phục vụ, trái lại, người biết phục vụ vì yêu thương sẽ có ảnh hưởng lớn mạnh trên mọi người, mà không cần có một thế lực nào của người đời nâng đỡ, bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng yêu thương sẽ luôn ở với họ.

Có người phục vụ tha nhân, nhưng không yêu thương.
Có người phục vụ tha nhân, nhưng cách miễn cưỡng.
Có người phục vụ tha nhân, nhưng phục vụ chiếu lệ.
Có người phục vụ tha nhân, nhưng lẩm bẩm chửi thề...

Chỉ có những ai thành tâm yêu mến Chúa Giê-su trong tha nhân mới có cung cách phục vụ chân chính, và như thế họ là những người lớn nhất trong Nước Trời vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------
Lm. Giuse-Maria Nhân Tài Csjb.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Giáo xứ Liễu Đề chia tay cha quản xứ và đón nhận cha tân quản xứ và cha phó

"Người bảo sao thì cứ làm như vậy!"

ĐỨC MẸ SẦU BI


MẸ SẦU BI! – TÁM NIỀM ĐAU CỦA MẸ!

Ai thấu hết niềm đau của Mẹ,
Những sầu thương suối lệ đang chờ.
“XIN VÂNG” dệt khúc tình thơ,
Trái tim tân khổ vô bờ gian nan.

Nơi Đền Thánh cung đàn ai oán,
Simêon tiên báo Hài Nhi.
Lưỡi gươm thứ nhất tức thì,
Xuyên qua lòng Mẹ Dã Qùy nhụy rơi.

Nhận hung tin rối bời lòng Mẹ,
Gươm thứ hai xâu xé tan thương.
Ôm Con lẩn trốn bạo vương,
Nửa đêm Ai Cập tìm đường thoát thân.

Đường về quê gập ghềnh ngấn lệ,
Lên Salem dự lễ Vượt Qua.
Lưỡi gươm oan nghiệt thứ ba,
Lạc Con giữa chốn phồn hoa kiếm tìm.

Đường khổ nạn lặng im theo dấu,
Mẹ bước theo vết máu trên đường.
Lưỡi gươm thứ bốn sầu vương,
Gặp Con giữa cảnh tang thương khốn cùng.

Bên Thánh Giá kiên trung hiến tế
Tan nát lòng dâng lễ hiệp thông.
Toàn thiêu lễ vật đồng công,
Gươm năm xé nát tình nồng Can – vê.
Giữa đồi cao bốn bề gió lộng
Nhìn lưỡi đòng mở rộng tim Con.
Lòng Mẹ quặn thắt héo hon,
Lưỡi gươm thứ sáu sắt son vẹn tình.
Mồ đá lạnh lặng thinh xúc động,
Mẹ ước ao chôn sống cùng Con.
Lưỡi gươm thứ bảy héo hon,
Đá tròn đậy kín mồ Con tiêu điều.

Trái tim Mẹ còn nhiều ảm đạm,
Bao lưỡi gươm thứ tám đâm thâu.
Tội con Mẹ nhỏ lệ sầu,
Tội tình nhân thế Mẹ đau âm thầm.

Mẹ Sầu Bi ! cung trầm lặng lẽ,
Tiếng “XIN VÂNG” đáp lễ ân tình
Nhân loại hưởng phúc tái sinh,
Thoát vòng tội lụy đượm tình thứ tha.
--------------------
Mặc Trầm Cung