LỜI CHÚA

"Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG



Mừng Lễ kính Thánh Cả Giuse, giáo xứ Liễu đề hiệp thông chúc mừng bổn mạng Đức Cha chính Giuse. Kính chúc Đức Cha luôn được an vui, mạnh khỏe. Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Cả, nguyện xin Chúa thương ban xuống cho Cha Hồng Ân ngập tràn ; xin Thiên Chúa, Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse gìn giữ Cha và luôn soi sáng cho Cha trên con đường thực thi nhiệm vụ cao cả mà Thiên Chúa đã tin yêu trao phó cho Cha.
Giáo dân giáo xứ Liễu đề chúng con kính yêu Cha!

Chúc mừng Bổn mạng cha xứ. Cha được Bề Trên trao phó cho công việc lớn lao đó là chăm lo cho gia đình giáo xứ Liễu đề. Kính chúc Cha mạnh khỏe, luôn vui vẻ, nhiệt thành với công việc và nhất là luôn nhận được sự tin yêu của giáo dân trong toàn giáo xứ. Nguyện xin Chúa ban cho cha sức mạnh Thần Khí để chu toàn nhiệm vụ tốt đẹp theo Thánh ý Chúa. Thánh Bổn mạng sẽ luôn đồng hành với cha.

Mừng lễ kính Thánh Giuse!


THÁNH GIUSE - QUAN THẦY GIÁO HỘI VIÊT NAM

Giáo hội Việt Nam rất tôn kính Thánh Cả Giuse. Rất nhiều người thuộc nam giới mang tên Thánh Giuse. Các nhà thờ đều lập toà kính Ngài đối ngang với toà Ðức Mẹ.

Thánh Giuse được chọn làm quan thầy của Giáo hội Việt Nam dựa trên một biến cố lịch sử.

Cha Ðắc Lộ Alexandre de Rhodes (1593-1660) trong cuốn Lịch Sử Vương Quốc Ðàng Ngoài ("Histoire du Royaume de Tonquin") có ghi nguyên văn như sau: "Ngày 12/3/1627, ngày Lễ Thánh Grêgôriô Cả, chúng tôi [Cha Pierre Marquez người Bồ và Cha Ðắc Lộ] khởi hành từ Macao, và căng buồm theo chiều gió đưa chúng tôi đi qua kính chào mộ xưa kia chôn cất Thánh Phanxicô Xaviê ở đảo Tam Châu, rồi từ đó vào biển Hải Nam nổi tiếng về những trận bão thường xuyên hành hạ dữ dội các tàu biển, thế nhưng đối với chúng tôi thì lặng và lành nhờ các thiên thần hộ mệnh xứ Ðàng Ngoài che chở trong 3 ngày chúng tôi đi theo bờ biển rộng lớn. Nhưng sau 6 hay 7 ngày thuận buồm xuôi gió và khi gần tới bến thì trời nổi mây đe doạ trên đầu chúng tôi. Ðêm tới, tàu chúng tôi bị một trận bão rất lớn, làm tàu lay chuyển rất hiểm nghèo và đồng thời trên không có sấm sét vạch thành những hình thù quái dị do ma quỉ gây nên làm cho thủy thủ sợ hãi. Mãi tới sáng, ngày lễ Thánh Giuse hiển vinh, trời trở nên quang đãng, hình quái dị tan và sóng hạ, chúng tôi khám phá ra một cửa biển người Ðàng Ngoài gọi là Cửa Bạng. Chúng tôi muốn gọi là Cửa Thánh Giuse, vì chúng tôi may mắn được vào bến đúng ngày lễ kính Người và chúng tôi hy vọng Thiên Chúa để Ngài làm vị quan thầy bảo trợ và làm cha nuôi giáo đoàn Ðàng Ngoài mới khai sinh này. Viên hoa tiêu liền xuống một chiếc xuồng để thăm dò bến, khi thấy là tốt và có thể cập bến được thì chúng tôi dễ dàng đi xuống và cảm tạ Thiên Chúa đã dẫn chúng tôi may mắn tới nơi...

Trong những ngày này, chúng tôi không ra khỏi Cửa Thánh Giuse... Chúng tôi đi đàm đạo với rất nhiều người ở Xóm Thánh Giuse... Thiên Chúa đã chiếu giọi những ánh sáng đầu tiên của ơn Người để kích động các tâm hồn. Cuộc chinh phục quan trọng đầu tiên để gầy dựng đức tin đó là một thầy đồ dạy chữ Hán cho thanh thiếu niên trong xóm và dạy cả những giáo thuyết sai lầm tà giáo. Nhưng... thầy đã trở lại... chúng tôi đã rửa tội và trao cho ông những bản kinh đạo Kitô viết trên giấy để ông dạy trẻ em... vào những ngày Chúa Nhật... Chúng tôi ân cần dạy dỗ và chinh phục những thôn xã lân cận và chúng tôi đã rửa tội được 32 người là những hoa quả đầu mùa ở Ðàng Ngoài..." (Lịch Sử Vương Quốc Ðàng Ngoài của Cha Ðắc Lộ - bản dịch của Hồng Nhuệ).

Năm 1678, Ðức Thánh Cha Inôxentê XI tôn phong Thánh Giuse làm Thánh Bảo trợ nước Việt Nam và các nước lân cận. Do đó, giáo dân Việt Nam rất sùng kính Thánh Cả Giuse. Ngôi Thánh đường Sàigòn là "Nhà thờ Ðức Bà" thì ngôi Thánh đường Hà Nội là "Nhà thờ lớn kính Thánh Giuse".
(Trích trong sách Thánh Cả Giuse)
Lm. Hồng Phúc, C.Ss.R.

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2009

ĐẠI HỘI TU SĨ TOÀN QUỐC LẦN III TẠI TÒA GIÁM MỤC BÙI CHU



Nhân dịp mừng kỷ niệm 2000 năm sinh nhật Thánh Phaolô và chuẩn bị hướng đến Năm Đại Thánh 2010 của Giáo Hội Cộng Giáo Việt Nam, Đại Hội Tu Sĩ Toàn Quốc lần III đã được Ủy Ban Tu Sĩ thuộc HĐGMVN tổ chức tại Tòa Giám Mục từ chiều ngày 09 đến hết ngày 11 tháng 03 năm 2009. Có tất cả 220 tham dự viên đại diện cho 96 Dòng tu, Tu Hội, Tu Đoàn tông đồ thuộc 26 Giáo Phận toàn quốc đã đến tham dự.

Đại Hội đã khai mạc chiều ngày 09 tháng 3 năm 2009 với buổi chầu Thánh Thể lúc 17g30 tại nguyện đường Tòa Giám Mục Bùi Chu. Tiếp đến là buối hội diễn văn nghệ chào mừng Đại Hội của năm Dòng nữ thuộc Giáo Phận Bùi Chu: Dòng Mân Côi, Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Đa-Minh, Dòng Thăm Viếng và Dòng Trinh Vương. Hơn 10 tiết mục văn nghệ đã diễn ra hết sức đặc sắc, vui tươi, sáng tạo, đầy ấn tượng và lung linh màu sắc. Những điệu múa mươt mà, những khúc ca hoành tráng, những điệu sáo du dương đầy sâu lắng đã diễn tả tâm tình kính mến Thiên Chúa, tôn vinh Đừc Trinh Nữ Maria, lòng yêu mến Mẹ Giáo Hội và quê hương đất nước. Lời ca tiếng hát xen lẫn những điệu múa vui tươi đã đem lại một không gian ấm cúng, đầy màu sắc linh thiêng của những trái tim đã say mê theo Chúa Giêsu trong đời thánh hiến và phục vụ, cho dù sứ mạng loan báo Tin Mừng giữa lòng xã hội Việt hôm nay còn nhiều khó khăn thử thách.

Ngày 10 tháng 03 năm 2009, ngày đầu tiên của Đại Hội, Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm đã chủ sụ thánh lễ đồng tế ban sáng và chia sẻ Lời Chúa cho các tham dự viên Đại Hội. Với chủ đề thứ nhất về Năm Thánh Phaolô, các tham dự viên lần lượt được nghe 04 bài thuyết trình: (1) Vài nét lịch sử của Thánh Phaolô Tông đồ (Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm) (2) Việc truyền giáo theo Thánh Phaolô (Cha Giuse Phạm Quốc Điêm) (3) Theo dấu chân Thánh Phaolô: Học biết – Yêu mến – Phục vụ Chúa Kitô và Hội Thánh, mong sống tốt hơn ơn gọi và sứ vụ của chúng ta hôm nay (Cha Micae Phaolô Trần Minh Huy) (4) Giáo dục Kitô Giáo theo tinh thần Thánh Phaolô (Cha Giuse Trần QuốcTuyến). Buổi chiều cùng ngày, các tham dự viên đã dành thì giờ để thảo luận các vấn đề cụ thể đã được các thuyết trình viên gợi ý. Buổi làm việc ngày đẩu tiên của Đại Hội đã được kết thúc với buổi đọc kinh Mân Côi chung và chầu Thánh Thể ban tối.

Ngày 11 tháng 03 năm 2009, ngày thứ hai của Đại Hội, các tham dự viên vui mừng đón tiếp Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh, đến chủ sự thánh lễ đồng tế và chia sẻ Lời Chúa cho Đại Hội với tư cách là một tu sĩ Dòng Tên. Hướng về việc chuẩn bị mừng Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, các tham dự viên tiếp tục nghe các thuyết trình viên chia sẻ về Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ (Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn và Cha Antôn Hà Văn Minh). Đại Hội cũng lắng nghe Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, Dòng Tên, chia sẻ về những kinh nghiệm huấn luyện các tu sĩ trẻ hôm nay. Buổi chiểu cùng ngày, các tham dự viên đã dành thì giờ để thảo luận về việc huấn luyện tu sĩ trẻ trong bối cảnh xã hội hiện nay. Đây là một đề tài hết sức thời sự và thiết thực mà các đại biểu đều quan tâm lắng nghe các thao thức và học hỏi những kinh nghiệm của nhau từ những chia sẻ rất thực tế.

Đại Hội Tu Sĩ lần III đã kết thúc tốt đẹp lúc 16g00 cùng ngày trong niềm vui sau hai ngày gặp gỡ và làm việc chung với nhau trong bầu khí cởi mở và thân thiện. Cha Tôma Vũ Quang Trung, Giám Tỉnh Dòng Tên, đã thay mặt các tham dự viên Đại Hội bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm và Ban Tổ Chức Đại Hội đã chuẩn bị mọi sự hết sức chu đáo cũng như các thuyết trình viên đã chia sẻ các nội dung thuyết trình hết sức phong phú.

Mong Đại Hội Tu Sĩ lần III tiếp tục sinh nhiều hoa trái tốt đẹp cho các Dòng tu, Tu hội, Tu Đoàn tông đồ, góp phần xây dựng cuộc sống thánh hiến của các tu sĩ nam nữ tại Việt Nam mỗi ngày một phong phú và năng động hơn trong sứ mạng phục vụ Hội Thánh và nhân loại.

Bùi Chu 11.03.2009

Ánh Sao Xanh
http://www.betrenthuongcap.net
__________________

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY



Anh chị em thân mến !
Khởi đầu Mùa Chay, mùa tạo nên con đường luyện tập thiêng liêng mãnh liệt, Phụng Vụ một lần nữa đề nghị cho chúng ta ba việc thực hành sám hối rất quen thuộc với truyền thống Kinh Thánh và kitô giáo – cầu nguyện, bố thí và chay tịnh – để chuẩn bị cho chúng ta cử hành tốt hơn lễ Vượt Qua và do đó kinh nghiệm được sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng, như chúng ta sẽ hiểu trong suốt Đêm Canh Thức Phục Sinh, “chiến thắng sự dữ, rửa sạch lỗi lầm chúng ta, ban lại cho các tội nhân sự trong trắng, niềm vui cho người sầu khổ, làm tan biến hận thù, mang lại cho chúng ta bình an và hạ thấp sự kêu ngạo của thế gian” (Loan báo Vượt Qua). Qua Sứ điệp Mùa Chay truyền thống này, năm nay, tôi ước muốn chú ý đến cách đặc biệt hơn giá trị và ý nghĩa của việc chay tịnh. Quả thế, Mùa Chay nhắc nhở cho chúng ta bốn mươi ngày chay tịnh mà Chúa đã sống trong hoang mạc, trước khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng: “Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào hoang mạc để chịu ma quỷ cám dỗ. Sau khi đã ăn chay bốn mươi đêm ngày, Ngài đã thấy đói” (Mt 4, 1-2). Cũng như Môisê trước khi lãnh nhận Bia Luật (x. Xh 34, 28), như Êlia trước khi gặp Chúa trên núi Horeb (x. 1 V 19), cũng thế, Chúa Giêsu, bằng việc cầu nguyện và ăn chay, cũng chuẩn bị cho sứ vụ của Ngài, mà khởi đầu đã được đánh dấu bằng một sự đối đầu gay go với tên cám dỗ.

Chúng ta có thể tự hỏi đâu là gía trị và ý nghĩa có thể có đối với chúng ta, những kitô hữu, sự kiện bị tước đi điều gì đó tốt lành tự nó và hữu ích đối với cuộc sống của chúng ta. Kinh Thánh và tất cả truyền thống kitô giáo dạy rằng chay tịnh mang lại sự trợ giúp lớn lao để tránh tội lỗi và tất cả những gì đưa đến tội lỗi. Vì thế, trong lịch sử cứu độ, lời mời gọi chay tịnh trở lại cách đều đặn. Ngay trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, Chúa đã truyền cho con người kiêng nhịn ăn trái cấm: “ Ngươi có thể ăn mọi trái cây trong vườn, nhưng cây biết lành biết dữ, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn nó, chắc chắn, người sẽ chết.” (Kn 2, 16-17). Khi bình giải lệnh truyền của Chúa, thánh Basile nhận xét rằng “việc chay tịnh đã được đòi hỏi trong vườn địa đàng”, và “giới luật đầu tiên này đã được ban cho Ađam”. Bởi thế, ngài kết luận: “lệnh cấm này – “ngươi không được ăn” – là một luật chay tịnh và kiêng nhịn” (x. Bài giảng về chay tịnh: PG 31, 163, 98). Bởi vì tất cả chúng ta bị đè nặng bởi tội lỗi và các hậu quả của nó, nên việc chay tịnh được đề ra cho chúng ta như là một phương thế để nối kết lại tình bạn của chúng ta với Chúa. Đó là những gì mà Esdras đã làm trước cuộc xuất hành trở về Đất Hứa từ chốn lưu đày, khi ông mời dân chúng tập hợp lại ăn chay “ để hạ mình –ông nói – trước nhan Thiên Chúa chúng ta” (8, 21). Đấng Toàn Năng đã lắng nghe lời cầu nguyện của họ và đã đảm bảo cho họ về sự chiếu cố và bảo vệ của Ngài. Cũng thế, các cư dân thành Ninivê đã ăn chay, khi, nhạy cảm trước lời kêu gọi sám hối của Giô-na, họ đã công bố một cuộc chay tịnh, như là bằng chứng về sự chân thành của họ, nói rằng: “Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết” (3, 9). Trong trường hợp này nữa, Thiên Chúa thấy những công việc họ làm và tha cho họ.
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu làm sáng tỏ lý do sâu xa của việc chay tịnh khi lên án thái độ của các người Pharisêu đã tuân giữ các luật truyền cách tỉ mỉ, đang khi mà tâm hồn của họ xa rời Thiên Chúa. Việc chay tịnh đích thực, Chúa còn lập lại ở những nơi khác nữa, đúng hơn hệ tại làm theo thánh ý Cha trên trời, Đấng “nhìn thấy trong nơi bí ẩn và sẽ đền bù cho ngươi” (Mt 6, 18). Chính Ngài làm gương cho điều đó khi đáp lại Satan, lúc kết thúc bốn mươi ngày trong hoang mạc: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4). Bởi thế, việc chay tịnh đích thực có mục đích ăn “ lương thực đích thực”, là hệ tại làm theo thánh ý của Chúa Cha (x. Ga 4, 34). Bởi thế, nếu Ađam bất tuân lệnh Chúa “ không được ăn trái cây biết lành biết dữ”, thì người tín hữu, qua việc chay tịnh, cũng muốn phục tùng Thiên Chúa cách khiêm hạ, bằng việc phó mình cho lòng nhân từ và thương xót của Ngài.
Việc thực hành chay tịnh đã rất hiện diện trong cộng đoàn kitô hữu tiên khởi (x. Cv 13, 3; 14, 22; 27, 21; 2Cor 6, 5). Các Giáo Phụ cũng nói về sức mạnh của việc chay tịnh, có khả năng hãm chế tội lỗi, kiềm chế những ước muốn của “con người cũ”, và mở ra nơi tâm hồn của người tín hữu con đường dẫn đến Thiên Chúa. Vả lại, việc chay tịnh là một thực hành đều đặn của các thánh, các ngài khuyến cáo điều đó. Thánh Phêrô Kim Ngôn viết: “Việc chay tịnh là linh hồn của việc cầu nguyện, lòng thương xót là sức sống của việc chay tịnh. Vì thế, ai cầu nguyện thì phải ăn chay; ai ăn chay thì phải có lòng thương xót; nều muốn lời cầu xin của ngươi được lắng nghe, thì hãy lắng nghe lời cầu xin của người khác; Thiên Chúa lắng nghe người nào biết lắng nghe người khác” (Bài giảng 43: PL 52, 320.332).

Ngày nay, việc thực hành chay tịnh dường như đã mất đi đôi chút giá trị thiêng liêng của nó và, trong một nền văn hóa được đánh dấu bởi việc tìm kiếm sự thoải mái vật chất, nó đã mang lấy giá trị của một thực hành điều trị đối với việc chăm sóc thân thể. Chắc chắn, việc ăn chay là hữu ích cho sự thoải mái thể lý, những đối với người tín hữu, trước tiên nó là môtk “liệu pháp” để chăm sóc tất cả những gì ngăn cản họ tuân theo thánh ý Thiên Chúa. Trong Tông Hiến Pænitemini năm 1966, vị Tôi Tớ của Thiên Chúa, Đức Phaolô VI đã nhìn nhận sự cấp thiết đặt lại việc chay tịnh trong khung cảnh của lời kêu gọi mọi kitô hữu “không còn sống cho chính mình nữa, nhưng cho Đấng đã yêu thương và hiến mình vì nó, và …cũng để sống cho anh chị em của mình” (x. Chương I). Mùa Chay này có thể là cơ hội lấy lại những chuẩn mực được chứa đựng trong Tông Hiến này, và làm nổi bật lại ý nghĩa đích thực và trường tồn của việc thực hành sám hối cổ xưa, có khả năng giúp chúng ta hãm chế tính ích kỷ của chúng ta và mở tâm hồn ra cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, giới răn trước nhất và trên hết của Luật mới và là tóm kết tất cả Tin Mừng (Mt 22, 34-40).

Vả lại, việc thực hành chay tịnh cách trung thành đóng góp vào việc thống nhất nhân vị, thân xác và linh hồn, bằng cách giúp cho con người tránh tội lỗi và lớn lên trong sự thân mật với Chúa. Thánh Augustinô, người biết rõ những khuynh hướng tiêu cực của mình và xem chúng như là “những nút ngoằn nghèo và rối tung” (Tự Thuật II, 10.18), đã viết trong khảo luận của mình về sự ích lợi của việc ăn chay: “ Chắc chắn, tôi cam chịu kham khổ, nhưng là để Ngài tha thứ cho tôi; tôi trừng phạt mình để Ngài trợ giúp tôi, để làm đẹp lòng Ngài, để đến nếm hưởng sự êm ái của Ngài” (Bài giảng 400, 3,3: PL 40, 708). Chịu thiếu thốn lương thực vật chất nuôi sống thân xác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trạng thái tâm hồn lắng nghe Chúa Kitô và nuôi dưỡng mình bằng lời cứu độ của Ngài. Với việc chay tịnh và cầu nguyện, chúng ta để cho Ngài đến làm no thỏa cơn đói khát thâm sâu hơn mà chúng ta cảm nghiệm tự sâu thẳm tâm hồn chúng ta: sự đói khát Thiên Chúa.

Đồng thời, việc chay tịnh giúp chúng ta ý thức về hoàn cảnh trong đó biết bao người anh em chúng ta đang sống. Trong Thư thứ nhất của mình, thánh Gioan cảnh giác : “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (3, 17). Ăn chay tự nguyện sẽ giúp chúng ta theo gương của Người Samaritanô Nhân lành, chú tâm và đến cứu giúp người anh em đang đau khổ (x. thông điệp Deus caritas est, 15). Khi chọn lựa cách tự do chịu thiếu thốn điều gì đó để giúp đỡ người khác, chúng ta cho thấy cách cụ thể rằng tha nhân đang gặp khó khăn không hề xa lạ với chúng ta. Chính vì để duy trì sống động thái độ đón tiếp và chú tâm đến anh chị em của chúng ta này mà tôi khuyến khích các giáo xứ và tất cả các cộng đoàn, trong Mùa Chay, tăng cường việc thực hành chay tịnh các nhân và cộng đoàn, đang khi cũng rèn luyện việc lắng nghe Lời Chúa, việc cầu nguyện và bố thí. Từ ban đầu, điều này đã là một đặc điểm của đời sống của các cộng đoàn kitô hữu nơi có những cuộc lạc quyên đặc biệt được thực hiện (x. 2 Cor 8-9 ; Rm 15, 25-27), đang khi mà các tín hữu đã được mời gọi bố thí cho người nghèo những gì được dành riêng, nhờ việc ăn chay (x. Giáo huấn các Tông đồ (Didascalie Ap.), V, 20,18). Ngay cả ngày nay, một thực hành như thế cần phải được tái khám phá và khích lệ, nhất là trong thời gian phụng vụ của Mùa Chay.

Rõ ràng từ tất cả những gì tôi vừa nói, việc chay tịnh biểu lộ một thực hành khổ chế qua n trọng, một vũ khí thiêng liêng để chiến đấu chống lại tất cả những quyến luyến bừa bãi. Tự ý nhịn đi ước muốn lương thực và những của cải vật chất khác sẽ giúp cho người môn đệ Chúa Kitô kiểm soát các thèm muốn của bản tính đã bị tội nguyên tổ làm suy yếu đi của mình, và những hậu quả tiêu cực của nó vây hãm toàn thể nhân vị. Một bài thánh thi cổ xưa của phụng vụ Mùa Chay đã khích lệ cách thích đáng : « Utamur ergo parcius, / verbis, cibis et potibus, / somno, iocis et arctius / perstemus in custodia – Chúng ta sử dụng cách có tiết độ hơn những lời nói, những thức ăn, nước uống, giấc ngủ và các trò chơi, và cách chăm chú hơn nữa, chúng ta vẫn tỉnh thức ».

Anh chị em thân mến, cần nhìn thấy rõ, việc chay tịnh có mục đích tối hậu là giúp đỡ mỗi người trong chúng ta trao hiến hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa, như Tôi Tớ Chúa là Đức Gioan Phaolô II đã viết (x. thông điệp Veritatis splendor, 21). Vì thế, chớ gì Mùa Chay được làm nổi bật nơi mọi gia đình và nơi mọi cộng đoàn kitô hữu, để tránh xa tất cả những gì làm sao nhãng tâm trí về để tăng cường những gì nuôi dưỡng tâm hồn bằng việc mở nó ra cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Đặc biệt tôi nghĩ đến một sự dấn thân lớn hơn trong việc cầu nguyện, việc nghiền ngẫm Kinh Thánh (lectio divina), việc nhờ đến Bí tích Hòa Giải và trong việc tham dự chủ động vào Thánh Lễ, trên tất cả là tham dự vào Thánh Lễ Chúa Nhật. Với trạng thái tâm hồn này, chúng ta bước vào trong bầu khí sám hối riêng biệt của Mùa Chay. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, là Causa nostrae laetitiae (căn do niềm vui của chúng ta), đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong các nỗ lực của chúng ta để giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi sự nô lệ tội lỗi và để biến tâm hồn chúng ta luôn hơn nữa là một « nhà tạm sống động của Thiên Chúa ». Bằng lời cầu chúc này và trong khi đảm bảo cho mọi tín hữu và mỗi cộng đoàn giáo hội lời cầu nguyện của tôi để mọi người bước theo hành trình Mùa Chay này cách sinh ích, tôi xin hết lòng ban Phép lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.

Từ Vatican, ngày 11 tháng 12 năm 2008
BÊNÊĐICTÔ XVI, Mục Tử của các mục tử
Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp.