LỜI CHÚA

"Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

MỘT BÀ MẸ THÁNH KIÊN TRÌ và CAN ĐẢM


Mừng lễ kính Thánh MONICA - Bổn mạng giới hiền mẫu


Ca dao Việt Nam có câu :” Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra


Hoặc trong bài hát ” Lòng Mẹ “, nhạc sĩ Y Vân đã viết : “ Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào “. Vâng, người mẹ nào mà chẳng thương con, người mẹ nào lại nỡ bỏ con khi bà mang nặng, đẻ đau, thức khuya, dậy sớm để lo cho con từng ngụm sữa, nâng niu, ấp ủ con như gà mẹ ủ con trong đôi cánh. Anh Vũ Đức Nhuận đã viết bài “

Em có ba, em có má “ có câu gợi cảm và nói lên tình thương bao la của cha mẹ:” Em có ba, em có má. Má yêu em như suối trên nguồn, từ ngày sinh ra mẹ nâng như trứng, mẹ hứng như hoa, mẹ ôm vào lòng”. Nói về mẹ quả không sao có thể diễn tả hết, lột hết được tình thương lao la của người mẹ. Do đó, thánh Augustinô sau một quãng đời xa Chúa, dấn thân vào con đường lầy lội đã nghiệm ra tình mẹ, tình cha. Ngài đã trở lại với Chúa nhờ lời cầu nguyện và những giọt nước mắt chân tình, đau khổ nhưng đầy tình yêu của người mẹ, bà thánh Monica.

Năm 332, thánh nữ Monica chào đời tại vùng Sucara, nước Phi Châu trong một gia đình đạo đức và luôn biết kính sợ Chúa. Được giáo dục trong bầu khí đạo đức của gia đình, thánh nhân sớm trở thành cô bé đạo hạnh, thánh thiện và luôn kính Chúa yêu người. Với tâm hồn đơn sơ, khiêm nhượng, kèm theo đức bác ái tuyệt vời, thánh nữ Monica ngay từ nhỏ đã biết dành một phần cơm mỗi bữa để giúp đỡ người nghèo, đồng thời những khi nhàn rỗi, thánh nữ luôn tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện và trò chuyện thân mật với Chúa.

Với đức vâng lời và lòng yêu thương cha mẹ, thánh nữ lúc lên 22 tuổi đã chấp nhận kết hôn với một chàng trai tên Patricius, con nhà giầu, quí phái nhưng tính tình lại ngang ngược, hung hăng, ngạo mạn, và tuổi lại gấp đôi thánh nữ. Tuy rất khổ tâm, nhưng thánh nữ vẫn vâng lời cha mẹ với ước nguyện sẽ cứu được một linh hồn trở về đàng ngay nẻo chính. Nhờ tâm hồn thánh thiện, lòng đạo đức sâu xa và nhờ lời cầu nguyện thánh nữ đã cải hoá được chồng của mình và sau đó sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng. Sống trong một gia đình hoàn toàn ngoại giáo, nhưng thánh nữ Monica luôn tỏ ra mình là con của Chúa, sống nghe lời Chúa, tuân theo lời của Chúa và luôn giáo dục con cái biết kính Chúa, yêu người. Augustinô càng lớn càng trở nên người con hư hỏng, dù mẹ cha yêu thương hết mực. Augustinô có trí rất thông minh, nhưng càng thông minh, cậu càng ỉ lại đâm ra lười biếng và lơi là ăn chơi trác táng. Bị sửa phạt, Augustinô đâm ra lừa dối, lường gạt cha mẹ, thầy cô, từ đó đâm ra ăn chơi trác táng và trụy lạc. Càng đi học ở ra, ở tỉnh Augustinô càng bị cuốn hút vào những trào lưu xấu và càng hư hỏng. Đau khổ hơn nữa cho thánh nữ Monica con trai Augustinô của mình đi theo bè rối và chống lại đức tin. Tuy rất đau khổ nhưng thánh nữ Monica tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của Chúa, bà tin tưởng kiên trì cầu nguyện và làm việc lành bác ái.

Lời cầu nguyện, tin tưởng, cậy trông phó thác nơi Chúa và những giọt nước mắt chân thành, tha thiết của Chúa đã được Chúa đoái thương nhậm lời. Augustinô sau những thất bại, cay đắng ê chề đã trở về với Chúa. Augustinô giờ đây có thể nói như thánh Phaolô :” …lao mình về phía trước”. Ngài đã đẩy lùi tội lỗi, đẩy lui những xấu xa để làm lại cuộc đời mới, làm lại một tương lai tốt đẹp, trong sáng. Chúa có cách nhìn và con đường của Chúa. Vào chính đêm phục sinh năm 364, Augustinô đã được lãnh nhận bí tích rửa tội do thánh giám mục Ambrosiô cử hành. Hai mẹ con tràn đầy hạnh phúc: thánh nữ Monica sung sướng khôn lường, bà và Augustinô trở về Phi Châu trong cuộc hành trình dài ngày, nhưng ý Chúa nhiệm mầu, thánh nữ đã ra đi về với Chúa trong bình an vào năm 387. Thánh nhân được mai táng tại Otti. Đức Thánh Cha Martinô vào năm 1430 đã truyền đem xác thánh nữ về chôn cất tại nhà thờ thánh Augustinô ở Roma.

Cuộc đời của thánh nữ Monica là một cuộc đời đầy gian truân, đau khổ và thử thách. Tuy nhiên, thánh nữ đã kiên cường, can đảm sống tín thác nơi Chúa và luôn cậy trông, hy vọng vào tình thương vô biên của Chúa. Thánh nữ cảm nghiệm thực sâu xa lời của thánh Phaolô tông đồ:” Tôi có thể làm được tất cả mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho Tôi “ hay “ “…Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu, Chúa của tôi “ ( Philip 3, 8 ).

Thánh Monica đã ra đi về với Chúa vì bà đã toại nguyện vì người con yêu dấu của bà đã quay trở về với Chúa. Bà an bình vì “…Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta “ ( Philip 3, 20 ).

Thánh nhân là người mẹ gương mẫu, người mẹ đạo đức, thánh thiện và bây giờ nhiều nơi giới hiền mẫu đã chọn thánh Monica làm bổn mạng của giới mình.

Lạy thánh nữ Monica, xin giúp các bà mẹ công giáo luôn có tấm lòng quảng đại, kiên nhẫn và yêu thương để góp tay giáo dục con cái mình trở thành những con người tốt.

Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2009

ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI (Lễ trọng)



Tin mừng : Lc 1, 39-56

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”

Bạn thân mến,

Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, là một dịp lớn lao để bạn và tôi suy niệm đến những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ Maria, là người giáo hữu ưu việt của Giáo Hội và là người được chọn để trở thành Đấng cầu bàu cho nhân loại.

1. Người giáo hữu ưu việt.

Đức Mẹ Maria là một giáo hữu ưu việt, ưu việt bởi vì chính Mẹ đã khiêm tốn trước một sự việc trọng đại xảy đến cho mình và cho nhân loại, đó là mang thai Đấng cứu thế; ưu việt là bởi vì Mẹ đã biết nghe và suy niệm trong lòng những lời của Thiên Chúa.

Chính hai việc ấy: khiêm tốn và thực hành lời của Thiên Chúa đã làm cho Mẹ được vinh quang trên nước thiên đàng cũng như ở trên mặt đất, bởi vì Mẹ không coi việc cưu mang Đấng cứu thế là một vinh quang cho mình, nhưng sự khiêm tốn mới làm rạng danh Thiên Chúa nơi con người của Mẹ, và Mẹ đã không coi việc báo tin vui Đấng muôn dân trông đợi đã giáng trần trong cung lòng Mẹ là một việc phải làm, nhưng nghe và suy niệm lời của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ mới là điều đáng làm hơn. Đó chính là hai nét nhân đức căn bản của người Ki-tô hữu phải có, để được trở thành người giáo hữu noi gương và tiếp nối cuộc sống của Mẹ ở trần gian này.

2. Đấng cầu bầu

Được Thiên Chúa chúc lành ngay khi còn ở trần gian, Đức Mẹ Maria cũng đã được Thiên Chúa cất nhắc lên tận trời cao để làm nữ vương trên trời dưới đất, với địa vị ấy và với uy quyền ấy, Mẹ đã trở thành Đấng cầu bàu cho Giáo Hội và cho những ai chạy đến cùng Mẹ.

Không ai có thần thế trước mặt Thiên Chúa như Đức Mẹ Maria, bởi vì ngay khi còn ở trần gian này Mẹ đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, vì thế Mẹ được cất nhắc lên trời cả hồn lẫn xác chính là một cách tôn vinh của Thiên Chúa, dành cho những ai khi còn sống ở trần gian mà đã yêu mến và thực hành lời của Ngài…

Là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ của Hội Thánh và là Mẹ của nhân loại, nên việc Thiên Chúa đem Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác là chính đáng và xứng đáng, và càng chính đáng xứng đáng hơn nữa, khi Thiên Chúa đặt Mẹ làm đấng cầu bàu cho nhân loại. Chúng ta phải biết lợi dụng hồng ân cao quý này nơi Mẹ Maria, để xin Mẹ luôn gìn giữ và che chở chúng ta khỏi mọi mưu mô của ác thần (Kh 12, 3-4)

Bạn thân mến,

Mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, bạn và tôi không những chỉ cao rao tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại nơi con người của Mẹ, nhưng chúng ta cần phải học hỏi các nhân đức của Mẹ ngay trong cuộc sống của mình, như Mẹ đã yêu mến và thực hành lời của Thiên Chúa vậy.

Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là chúng ta xác tín lại niềm tin của chúng ta vào Chúa Giê-su: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Chúng ta giữ đạo, chúng ta sống lành thánh, chúng ta sống bác ái yêu thương tha nhân, là để chúng ta đạt được mục đích tối hậu của mình: lên trời hưởng nhan thánh Thiên Chúa và Mẹ Maria. Do đó sẽ trở thành huyền thoại khi chúng ta chỉ đứng chiêm ngưỡng đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Me, mà không suy niệm cuộc đời tận hiến của Mẹ và những đức hạnh trỗi vượt mà Mẹ đã thực hành với tất cả lòng khiêm nhường và mến yêu.

Xin Đức Mẹ Maria luôn cầu bàu cho bạn và tôi khi còn ở đời này, biết yêu mến những sự trên trời và để sống như đang sống với Mẹ ở trên trời vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------
LM. Giuse-Maria Nhân Tài.

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2009

CHỦ NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng : Ga 6, 41-51.

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.”

Bạn thân mến,

Trong lịch sử Trung Hoa , có những vị vua muốn được sống đời đời, tức là muốn trường sinh bất tử, cho nên đã tìm nhiều cách, sai phái nhiều người đi tìm thuốc trường sinh, nhưng nhiều người đã ra đi và không bao giờ trở lại vì họ đã chết, và các vị vua ấy cũng đã chết, bởi vì trên cõi đời này không có thứ lương thực nào có thể làm cho con người được sống đời đời.

Nhưng cũng trên cõi đời này có thứ lương thực khiến cho chúng ta –người Ki-tô hữu- được sự sống đời đời, đó chính là lương thực từ trời xuống, tức là Lời Chúa và Mình Máu Thánh của Chúa Giê-su.

1. Lời Chúa là lương thực hằng sống.

Lời Chúa nói với chúng ta qua mọi biến cố trong cuộc sống hàng ngày: thấy người bị tông xe, chúng ta liền nghĩ đến đây là Chúa dạy chúng ta phải cẩn thận khi đi đường; thấy người ta chửi bới thoá mạ nhau, chúng ta liền nghĩ đến Chúa dạy tôi phải sống hiền hoà với mọi người; thấy người đói ăn, nghèo khổ bất hạnh, chúng ta liền nghĩ đến Chúa Giê-su đang ở trong họ, Ngài muốn tôi phải sống bác ái và yêu thương tha nhân như yêu chính Ngài...

Lời Chúa nói với chúng ta qua những vui buồn trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta biết hồi tâm suy tư những biến cố dưới ánh sáng của đức tin, thì chúng ta sẽ thấy Lời Chúa chính là lương thực hằng sống cho chúng ta. Có người vì yêu thích Lời Chúa mà cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, nghĩa là họ biết nghe và thấy Lời Chúa trong cuộc sống rất bon chen của trần gian.

Lời Chúa cũng nói với chúng ta khi chúng ta đi tham dự thánh lễ và các bí tích, bởi vì chính trong thánh lễ hiến tế này, mà chúng ta được nghe chính tiếng nói của Thiên Chúa qua các ngôn sứ, các thánh Tông Đồ và nhất là trong bài Tin Mừng. Tuy nhiên, vẫn còn những lúc bạn và tôi cứ tưởng lương thực hằng sống chỉ là Mình Máu Thánh của Chúa Ki-tô mà thôi, cho nên chúng ta không thiết tha nghe Lời Chúa trong thánh lễ, và vì thế mà -có nhiều lúc- bạn và tôi sống như những người chưa hề biết Phúc Âm là gì.

Lời Chúa là lương thực hằng sống giúp cho chúng ta hiểu rõ và thấu triệt tính chất hằng sống nơi bí tích Thánh Thể, không ai có thể hiểu rõ mầu nhiệm Thánh Thể, nếu không yêu mến và không thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình.

2. Mình Máu Thánh Chúa là lương thực hằng sống.

Không một ai biết Chúa Giê-su là Thiên Chúa nếu Chúa Cha không lôi kéo họ, cũng vậy không ai hiểu được bánh trường sinh là gì, nếu họ không được Lời Chúa soi sáng.

Bánh bởi trời hôm nay không phải là man na ngày xưa nuôi dân Do Thái trong sa mạc, nhưng là Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su Ki-tô, thịt máu này đã bị nghiền nát bằng những tội lỗi của bạn và tôi, và bằng chính những xúc phạm của chúng ta, để trở thành tấm bánh tinh tuyền hằng sống dưỡng nuôi linh hồn của những kẻ tin. Chúa Giê-su đã nói : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”, chỉ ăn một Bánh và uống một Chén mà được sự sống đời đời, thì đó là hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho những ai tin vào Chúa Giê-su, là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa thể hiện giữa loài người cho đến ngày tận thế.

Bạn thân mến,

Lương thực hằng sống mà Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta chính là Mình Máu Thánh của Ngài và lời của Ngài, lương thực này không như ở trong các nhà hàng kara-ôkê máy lạnh, không như ở trong các tụ điểm vui chơi, cũng không như ở trong những cuộc nhậu nhẹt tưng bừng nghiêng trời đổ đất, nhưng ở trong đền thờ của Thiên Chúa, đó là các nhà thờ, nhà nguyện trên khắp thế giới, chính nơi đây, phép lạ vĩ đại hoá bánh ra nhiều ngày xưa ấy của Chúa Giê-su tái thực hiện: chỉ một tấm bánh nhưng nuôi sống những kẻ tin vào Ngài trên khắp thế gian.

Lương thực phần linh hồn đã có sẵn, đó là Lời Chúa và Mình Máu thánh của Ngài, nhưng chúng ta phải ăn uống với thái độ như thế nào để được sống đời đời ? Hy vọng và cầu mong cho bạn và tôi, và tất cả những người Ki-tô hữu, đừng ai dại dột đem của ăn cao quý này, để đổi lấy những của ăn chóng qua và đem lại sự chết cho linh hồn mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

LM Giuse Maria Nhân Tài.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG NGÀY CHẦU LƯỢT GIÁO XỨ LIỄU ĐỀ


Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009

Trại hè sinh viên Công giáo BÙI CHU

Mùa hè lại đến, các em sinh viên của giáo phận đang theo học tại khắp mọi miền đất nước đang nô nức trở về với quê hương. Để cho các em có một mùa hè thật bổ ích và cũng là dịp để các em từ nhiều trường học, nhiều miền khác nhau có điều kiện giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và đặc biệt còn là là dịp để các em cùng nhau chia sẻ, củng cố Đức Tin người Kito hữu của mình,... trại hè sinh viên Công giáo Bùi chu (SVCGBC) năm nay được tổ chức tại giáo xứ Liễu Đề - giáo phận Bùi Chu vào 2 ngày 22-23/7 với chủ đề : XIN DÙNG CON NHƯ KHÍ CỤ BÌNH AN.
Được sự giúp đỡ của Cha quản xứ, các cha trong miền và đặc biệt là của giáo dân giáo xứ Liễu Đề, trại hè SVCGBC năm nay được tổ chức thành công thật tốt đẹp.
Ngoài việc tổ chức vui chơi, giao lưu giữa các giáo xứ, giáo hạt và các sinh viên các giáo phận thuộc Tổng GP Hà Nội, các em còn dâng lên Chúa một giờ cầu nguyện thật sốt sắng. Thánh Lễ truyền thống và nghi thức sai đi đã khép lại trại hè SVCGBC 2009. Các em ra về với gia đình và lại chuẩn bị hành trang bước vào năm học mới. Điều quan trọng là trại hè năm nay đã lưu lại mãi trong các em một dấu ấn về đời sống Đức Tin và những kỷ niệm thật thân thương và sự hiếu khách của giáo dân Liễu Đề.
Quyền đăng cai trại hè SVCGBC 2010 được trao cho hạt Báo Đáp.
Một số hình ảnh về trại hè và Thánh Lễ truyền Thống SVCGBC