LỜI CHÚA

"Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

CHÚA NHẬT 26TN

THÁCH ĐỐ

Mc.9,38-43.45.47-48

**********


Đường theo Chúa trăm ngàn thử thách,

Đòi hỏi con chịu cắt tỉa mình.

Can đảm phẫu thuật tâm linh,

Thay đổi lối nghĩ tầm nhìn vươn xa.


Bỏ tật xấu xót xa quyến luyến,

Bỏ thói quen xao xuyến tâm hồn.

Từ bỏ ngẫu tượng suy tôn,

Sùng bái vật chất bồn chồn vấn vương.

Bao cám dỗ dẫn đường tội lỗi,

Đưa con vào bóng tối u mê.

Nọc độc ngăn chặn đường về,

Yếu hèn nhu nhược thuốc mê ngấm dần.

Vượt nỗi đau những lần giải phẫu,

Tim tái tê rướm máu tiếc thương.

Chân đau nhiễm độc lạc đường,

Tay hư, mắt hỏng sầu vương ngút ngàn.


Đời tự do nhẹ nhàng thanh thoát,

Chúa gọi con dứt khoát chọn Ngài.

Đoạn tuyệt tội lỗi hôm nay,

Đón nguồn hạnh phúc lâu dài thiên thu.


Khôn ngoan cắt bỏ khối u,

Tiếc thương vương vấn mây mù đời ai.

Chúa ơi! Con quyết chọn Ngài.

------------------------

A.P Mặc Trầm Cung

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

CHỦ NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mc 9, 30-37

“Con người sẽ bị nộp. Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải phục vụ mọi người.”

Bạn thân mến,

Cuộc sống con người nếu không có những tham vọng thì sẽ rất bằng phẳng, sẽ rất hiền hoà như nguyên tổ A-dong và E-va của chúng ta hồi ở trong vườn địa đàng, nhưng con người thì luôn có tham vọng, cái tham vọng này nhiều lúc vượt qua khả năng của con người: muốn làm lớn.

Chúa Giêsu đã ân cần dặn dò các môn đệ : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” , Ngài muốn các môn đệ phải học nơi Ngài sứ mệnh “làm lớn” tức là sứ mệnh phục vụ tha nhân trong chính bổn phận của mình. Bởi vì có nhiều người “làm lớn” nhưng không thích phục vụ; có nhiều người thích ăn trên đầu ngồi trên cổ người khác, nhưng lại chỉ tay năm ngón và coi việc phục vụ như là công việc đê hèn của các đầy tớ, đó là nguyên nhân của những bất hoà, phe phái và chiến tranh.

Chúa Giêsu đã phục vụ và Ngài coi phục vụ chính là tiêu chuẩn để làm lớn trong Nước Trời.

“Muốn làm lớn thì phải làm nhỏ” không ai lớn cho bằng Đức Giê-su, Ngài chính là Thiên Chúa, là vua vũ trụ; nhưng cũng không ai nhỏ cho bằng Đức Giê-su, Ngài chính là con người, một con người nghèo khó nhất giữa loài người, và không ai đề cao việc phục vụ như Ngài, bởi vì chính Ngài đã phục vụ trong yêu thương cho đến chết, và chết rất tội nghiệp trên cây thập giá. Đó chính là hình ảnh sống động của người “làm lớn”, là mẫu gương phục vụ cho những người muốn “làm lớn” trong cộng đoàn của mình.

Con người ta ai cũng thích được làm ông này bà nọ -trong đó có bạn và tôi- ai cũng thích được có quyền hành để sai người này bảo người kia, nhưng rất ít có người thích phục vụ người khác như một tôi tớ. Có những lúc chúng ta phục vụ mà trong tâm hồn vẫn còn vướng mắc cái mắc cỡ, coi phục vụ là việc xấu xa đê tiện của hạng đầy tớ, cho nên chúng ta miễn cưỡng khi cúi xuống vung tay vứt nắm đồng tiền cho người ăn xin bên vệ đường, và nhanh chân bước đi mà không thèm ngoái cổ nhìn lại...

Bạn thân mến,

Người làm lớn tức là người có chức có quyền trong xã hội và Giáo Hội, nhưng chức quyền của họ không làm cho người khác lớn lên trong tình thương nếu họ không biết phục vụ, trái lại, người biết phục vụ vì yêu thương sẽ có ảnh hưởng lớn mạnh trên mọi người, mà không cần có một thế lực nào của người đời nâng đỡ, bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng yêu thương sẽ luôn ở với họ.

Có người phục vụ tha nhân, nhưng không yêu thương.
Có người phục vụ tha nhân, nhưng cách miễn cưỡng.
Có người phục vụ tha nhân, nhưng phục vụ chiếu lệ.
Có người phục vụ tha nhân, nhưng lẩm bẩm chửi thề...

Chỉ có những ai thành tâm yêu mến Chúa Giê-su trong tha nhân mới có cung cách phục vụ chân chính, và như thế họ là những người lớn nhất trong Nước Trời vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------
Lm. Giuse-Maria Nhân Tài Csjb.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Giáo xứ Liễu Đề chia tay cha quản xứ và đón nhận cha tân quản xứ và cha phó

"Người bảo sao thì cứ làm như vậy!"

ĐỨC MẸ SẦU BI


MẸ SẦU BI! – TÁM NIỀM ĐAU CỦA MẸ!

Ai thấu hết niềm đau của Mẹ,
Những sầu thương suối lệ đang chờ.
“XIN VÂNG” dệt khúc tình thơ,
Trái tim tân khổ vô bờ gian nan.

Nơi Đền Thánh cung đàn ai oán,
Simêon tiên báo Hài Nhi.
Lưỡi gươm thứ nhất tức thì,
Xuyên qua lòng Mẹ Dã Qùy nhụy rơi.

Nhận hung tin rối bời lòng Mẹ,
Gươm thứ hai xâu xé tan thương.
Ôm Con lẩn trốn bạo vương,
Nửa đêm Ai Cập tìm đường thoát thân.

Đường về quê gập ghềnh ngấn lệ,
Lên Salem dự lễ Vượt Qua.
Lưỡi gươm oan nghiệt thứ ba,
Lạc Con giữa chốn phồn hoa kiếm tìm.

Đường khổ nạn lặng im theo dấu,
Mẹ bước theo vết máu trên đường.
Lưỡi gươm thứ bốn sầu vương,
Gặp Con giữa cảnh tang thương khốn cùng.

Bên Thánh Giá kiên trung hiến tế
Tan nát lòng dâng lễ hiệp thông.
Toàn thiêu lễ vật đồng công,
Gươm năm xé nát tình nồng Can – vê.
Giữa đồi cao bốn bề gió lộng
Nhìn lưỡi đòng mở rộng tim Con.
Lòng Mẹ quặn thắt héo hon,
Lưỡi gươm thứ sáu sắt son vẹn tình.
Mồ đá lạnh lặng thinh xúc động,
Mẹ ước ao chôn sống cùng Con.
Lưỡi gươm thứ bảy héo hon,
Đá tròn đậy kín mồ Con tiêu điều.

Trái tim Mẹ còn nhiều ảm đạm,
Bao lưỡi gươm thứ tám đâm thâu.
Tội con Mẹ nhỏ lệ sầu,
Tội tình nhân thế Mẹ đau âm thầm.

Mẹ Sầu Bi ! cung trầm lặng lẽ,
Tiếng “XIN VÂNG” đáp lễ ân tình
Nhân loại hưởng phúc tái sinh,
Thoát vòng tội lụy đượm tình thứ tha.
--------------------
Mặc Trầm Cung

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

SUY TÔN THANH GIÁ


"Con Người phải bị treo lên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Suy niệm :
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá. Dấu chỉ, biểu tượng kitô này luôn hiện diện mỗi ngày trong cuộc sống người kitô hữu, cần được hiểu rõ.
Một ngày sống của người kitô hữu bắt đầu với kinh nguyện và dấu thánh giá trên người. Cần ý thức rằng ta đang vẽ trên mình không phải một dấu chỉ của đau khổ, của buồn sầu, của cực hình, nhưng là dấu chỉ của tình yêu.
Cả con người chúng ta, cả cuộc sống chúng ta được bao bọc bởi tình yêu của Thiên Chúa. Đúng, thập giá là khí cụ khổ hình, tuy nhiên, Chúa Giêsu qua cung cách Ngài sống cuộc khổ nạn, dạy cho ta biết rằng thập giá có thể làm biến đổi: tất cả những gì là ghen ghét biến thành yêu thương, tất cả những gì là thù hận biến thành tha thứ. ‘Lạy Cha, xin hãy tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm’. Điểm thiết yếu của thập giá không phải là cường độ của đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu, nhưng chính là cường độ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng không ngại trao ban Con Một mình cho nhân loại để họ được sự sống vĩnh cửu.
Giáo Hội hôm nay mời gọi ta nhìn lên thập giá, một cái nhìn vượt lên trên những dấu chỉ bên ngoài: sự ghê tởm của công cụ khổ nhục phải giúp ta, không phải để bị đè bẹp bởi sự tàn bạo, nhưng để khám phá và chiêm ngưỡng điều không thể dò thấu được: đó là sự vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, đấng đã chịu khổ vì mỗi người chúng ta. Vì việc nhập thể, vì việc hiến trao mạng sống, Đức Giêsu chứng minh cho ta thấy một Thiên Chúa gần kề chúng ta, một Thiên Chúa chỉ có một ước muốn duy nhất là sống trọn vẹn kiếp sống con người của chúng ta (ngoại trừ tội). Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa tự cởi bỏ thiên tính của mình và đến giữa chúng ta như người tôi tớ.
Ý tưởng đó được nhấn mạnh và giải thích trong bài đọc thứ hai: ‘mặc lấy thân nô lệ’. Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa từ trời cao xuống tận kiếp sống của ta, để gặp gỡ chúng ta. Ngài trút bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để nói với chúng ta: chẳng kể những khác biệt, chẳng muốn đặc ân, chẳng ham bạc vàng, chẳng muốn ở trên người khác…Đau khổ của con là của ta, cái chết của con cũng là cái chết của ta. Cần nhắc lại rằng điều cứu rỗi chúng ta không phải là số lượng những đau khổ hàm chứa nơi thập giá, nhưng chính là tình yêu, một tình yêu với cường độ và trương độ có thể xóa đi khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người.
‘Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống’. Lưu ý động từ ‘xuống’. Thông thường người ta muốn đi lên để gặp những nhân vật ở địa vị cao sang, được mọi người kính trọng. Thiên Chúa thì không như thế! Là một vị Thiên Chúa đi xuống. Để dạy ta rằng điều đáng kể không phải là sống trên những người khác và coi thường họ. Đối với Đức Giêsu, sống là chung chia thân phận, từ đó đặt cuộc sống mình ngang cùng cấp độ với kẻ khác; hơn thế: Đức Giêsu thích nhìn chúng ta từ dưới thấp lên cao. Một cái nhìn nhận biết phẩm giá những người nghèo, nhận ra bà góa nghèo với đồng xu duy nhất là cả cuộc sống của bà, nhận thấy ông Giakêu đang thiếu thốn tình bạn, nhận thấy những kẻ đau bệnh để chữa lành.
Lạy Chúa, chúng con tiếp tục hành trình của chúng con bằng việc chiêm ngắm thập giá của Chúa, mang lại cho chúng con niềm hy vọng, để tiếp tục loan báo tin mừng Nước Thiên Chúa như Ngài. Như Ngài, lạy Chúa Giêsu, chúng con muốn ra đi, xoa dịu các thương tích, bằng cách làm dấu chỉ hòa giải và yêu thương, vì chính dấu chỉ đó chứng thực chúng con là những môn đệ của Chúa. Thế giới sẽ trở lại, nhờ các kitô hữu mang thánh giá vào tận trong cuộc sống, chứ không phải đeo nơi cổ.
__________________
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

CHỦ NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN B

Tin mừng: Mc 8, 27-35.
“Thầy là Đấng Ki-tô. Con Người phải chịu nhiều đau khổ.”


Bạn thân mến,
Tin Mừng hôm nay, bạn và tôi đã nghe rất nhiều lần, và có khi thuộc lòng mẫu đối thoại giữa Chúa Giê-su với các môn đệ của Ngài, mẫu đối thoại có hai câu hỏi của Chúa Giê-su:
1. Người ta nói Thầy là ai ?
2. Anh em bảo Thầy là ai ?
Hai câu hỏi thật bất ngờ với các tông đồ.
1. Người ta bảo Thầy là ai ?
Thời của Chúa Giê-su: đám đông dân chúng bảo Ngài là vị đại tiên tri, vì Chúa Giê-su giảng dạy như Đấng có quyền uy; lại có người bảo Chúa Giê-su là Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến, vì Ngài làm rất nhiều phép lạ thi ân giáng phúc cho dân chúng; những người Biệt Phái và Pha-ri-siêu thì cứ cho là Chúa Giê-su ăn nói lộng ngôn phạm thượng đến Thiên Chúa, và ghen ghét thù hằn Ngài, cho nên luôn tìm cách để “chơi” Ngài, cuối cùng thì vu vạ cáo gian Ngài, và xin tổng trấn Phi-la-tô lên án và đóng đinh Ngài vào thập giá…
Thời nay: Bên cạnh những người biết và tin vào Chúa Giê-su, thì vẫn còn có nhiều người chưa biết Ngài là ai; có nơi người ta đá đảo Hội Thánh của Ngài, có nơi người ta bách hại những người tin vào Chúa Giê-su, và có những nơi người ta cuồng nhiệt sát hại những ai tin vào Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, là Đấng cứu độ trần gian…
Thời của Chúa Giê-su cũng như thời nay –thế kỷ 21- có người coi Chúa Giê-su là vị cứu tinh nhân loại, có người coi Chúa Giê-su là tên tội phạm bị đóng đinh trên thập giá, và còn có nhiều người tìm cách bách hại những ai mang danh Ki-tô hữu…
2. Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?
Các môn đệ của Chúa Giê-su thật bất ngờ khi Ngài hỏi các ông về bản thân Ngài, và chắc chắn các ông rất lúng túng vì không ngờ Thầy lại hỏi câu ấy, bởi vì các ông đi theo Chúa Giê-su, nhưng có lẽ như chưa bao giờ để ý đến Ngài là ai ! Nhưng nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà thánh Phê-rô đã mau mắn tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô”.
Có một ngày đẹp trời nào đó, Chúa Giê-su cũng sẽ hỏi cá nhân bạn và tôi: “Còn con, con bảo Thầy là ai ? Nếu con bảo Thầy là cứu chúa của con, là Thiên Chúa của con, sao con vẫn sống như người chưa biết Thầy, sao con vẫn sống kiêu căng, ích kỷ, ghét ghen với tha nhân ? Sao con vẫn cứ lấy Thầy ra làm khiên mộc để con biện hộ cho việc làm không tốt đẹp của con…?- Thì bạn và tôi phải trả lời ra sao !
Và Chúa Giê-su cũng sẽ hỏi những người trong cộng đoàn của bạn và tôi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai ? Nếu các con bảo Thầy là Đường là Sự Thật và là Sự Sống, nên các con từ bỏ mọi sự để theo Thầy, sao các con vẫn còn chia bè chia phái để đấm đá khai trừ nhau, sao các con vẫn cứ nói xấu nhau trong cộng đoàn, sao các con vẫn cứ muốn làm lớn để đạp bỏ anh em chị em trong cộng đoàn của mình ? Các con tự nguyện sống trong cộng đoàn để nên thánh, nhưng sao các con vẫn cứ coi anh em chị em như kẻ thù giống như con cái của ma quỷ vậy ? Thì bạn và tôi sẽ trả lời ra sao với Ngài !
Bạn thân mến,
Nơi người nghèo khó, Chúa Giê-su hỏi chúng ta: các con bảo Thầy là ai…?
Nơi người bất hạnh, Chúa Giê-su hỏi chúng ta: các con bảo Thầy là ai…?
Nơi những trẻ em đói khổ, Chúa Giê-su hỏi chúng ta: các con bảo Thầy là ai…?
Nơi người giàu có bất lương, nơi người ỷ quyền ỷ thế hiếp đáp dân nghèo, Chúa Giê-su hỏi chúng ta: các con bảo Thầy là ai...?
Bạn và tôi đều biết Chúa Giê-su là ai rồi, nhưng có lẽ chúng ta chỉ biết Chúa Giê-su trong nhà thờ, chỉ biết Chúa Giê-su hiện diện trong bí tích Thánh Thể mà thôi, chứ chúng ta chưa biết Chúa Giê-su đang hiện diện trong những người anh em bất hạnh chung quanh chúng ta...!
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-----------
LM. Giuse-Maria Nhân Tài, Csjb.

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Lễ mừng sinh nhật Đức Mẹ Maria (8/9)

Phụng vụ dạy ta cầu xin cho việc mừng lễ Mẹ Maria làm cho ta lớn lên trong bình an. Quả thật là thế bởi vì lễ mừng này cho ta biết về tình yêu của Thiên Chúa trên chúng ta. Việc sinh hạ Mẹ Maria là dấu chỉ Thiên Chúa đã chuẩn bị ơn cứu độ cho chúng ta: do đó Ngài đã chuẩn bị thân xác và linh hồn của Mẹ Đức Giêsu, cũng là mẹ chúng ta.
Thánh Phaolô trong thư gởi Rôma đã viết: ‘Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài (8,29). Điều đó thật đúng cho Mẹ Maria, được tiền định nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa và cũng là con của Mẹ. Và Thiên Chúa đã chuẩn bị mọi sự: ‘Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài’.
Thiên Chúa đã chuẩn bị mọi thế hệ cho việc sinh hạ Đức Maria, rồi đến việc sinh hạ Đức Giêsu. Ngài đã hành động bằng những phương thế siêu nhiên. Trong tin mừng hôm nay, ta thấy xuất hiện cả phần tự nhiên và phần siêu nhiên, cả hai đều cần thiết trong việc sinh hạ Đức Maria. Một loạt dài các thế hệ, gây buồn chán cho người đọc, thực ra là tổng hợp của một lịch sử sống động, của những con người tội lỗi, được Thiên Chúa hướng đến việc sinh hạ Đức Maria và Đức Giêsu.
Cuối cùng, chương trình của Thiên Chúa đã được thực hiện bằng những phương thế lạ lùng: Giuse không hiểu được điều đã xảy ra, vì đó là công trình của Thánh Thần. Không phải chỉ có thế hệ này nối tiếp thế hệ kia trong thời gian là chương trình của Thiên Chúa được hoàn thành đâu: cần có sự can thiệp của Thánh Thần.
Tất cả đều cho ta biết tình yêu của Thiên Chúa: tình yêu sáng tạo và cứu độ. Ta phải biết vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã yêu thương Đức Maria và yêu thương chúng ta.
__________________
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009