LỜI CHÚA

"Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Tin mừng : Mt 16, 13-19

“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời”.

Bạn thân mến,

Hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng lễ hai thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, hai vị thánh hai khuôn mặt, hai đời sống và là hai cột trụ của Giáo Hội Công Giáo, trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai nét sau đây của hai vị thánh lớn của Giáo Hội.

  1. Nhiệt tình với sứ mệnh.

Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đều có tâm hồn nhiệt tình với sứ mạng mà Chúa Giê-su đã giao phó, sự nhiệt tình này Chúa Giê-su đã nhìn thấy khi chọn các ngài làm tông đồ, và giao phó trọng trách gánh vác Giáo Hội của Ngài.

Nhiệt tình chất phác bộc trực cương nghị của thánh Phê-rô, đã được Chúa Giê-su khám phá ra khi ngài đang đánh cá với anh là An-rê, Ngài nói : “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” và hai ông đã lập tức bỏ chài lưới mà theo Ngài.

Nhiệt tình hăng hái của thánh Phao-lô đã bộc lộ rất rõ, khi ngài giữ áo cho người ta ném đá tử hình thánh Stephanô cũng như đang hăng hái bách hại Giáo Hội tiên khởi của Chúa Giê-su, sự nhiệt tình này không phải vì danh dự cá nhân, nhưng nhiệt tình vì lòng yêu mến Đức Chúa Ya-Vê của người Do Thái.

Tâm hồn nhiệt tình là điều cần thiết trước tiên để được chọn, không ai chọn một tinh binh không có dũng khí chiến đấu để làm tiên phong, cũng không ai chọn một người dù tài cao học rộng nhưng không nhiệt tình với bổn phận để giao trọng trách, nhưng người ta đã chọn người có tâm hồn nhiệt tình hăng say với công việc để giao phó sứ mệnh quan trọng…

Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ đã có đức tính này ngay trong cuộc sống đời thường của các ngài, và sau khi được chọn với ân sủng của Thánh Thần, các ngài càng thêm nhiệt tình với sứ mạng mà Chúa Giê-su Ki-tô giao phó cho các ngài, đó chính là sứ mạnh loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Nhiệt tình của chúng ta có thừa, nhưng sự nhiệt tình này chúng ta đã dùng không đúng chỗ: chúng ta nhiệt tình với bạn bè mà không nhiệt tình với Thiên Chúa; chúng ta nhiệt tình với các hợp đồng béo bở nhưng lại lạnh băng với công tác từ thiện; chúng ta nhiệt tình với những công trình tiếng tăm để đời, nhưng lại nguội lạnh với công việc mà Chúa Giê-su Ki-tô đã trao cho chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức là loan báo và làm chứng nhân cho Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc sống hằng ngày của mình.

  1. Yêu mến Chúa Giêsu hết lòng.

Một thánh Phê-rô đã ba lần trả lời với Chúa Giê-su khi được Ngài hỏi: “Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Một thánh Phao-lô đã tuyên bố: “Thật vậy, chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa” và chính ngài cũng đã không ngại ngùng nói: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi.”

Yêu mến Chúa Giê-su làm gia tăng sự nhiệt thành trong tâm hồn của các ngài, cho nên dù chịu biết bao khổ cực, nhọc nhằn, dù chịu bao nhiêu hy sinh gian nan thì các ngài vẫn cứ yêu mến Chúa Giê-su, và vì yêu mến Đấng đã chọn mình làm khí cụ loan báo tin mừng Nước Trời, nên các ngài vui lòng chia sẻ nổi khổ đau với Chúa Giê-su. Tình yêu đã làm nên những điều kỳ diệu nơi người đang yêu, và điều kỳ diệu trước tiên xảy ra chính là hai thánh Phê-rô và Phao-lô đã cảm nghiệm Đấng mình yêu đang rất gần gũi bên mình, và do đó mà hai ngài đã không quản ngại hy sinh gian khổ để làm chứng cho tình yêu…

Yêu mến Chúa Giê-su là năng lượng thúc đẩy chúng ta đi vào không gian vô tận của tình yêu Thiên Chúa, để sự nhiệt tình của chúng ta trở nên năng lực thúc đầy người khác biết yêu mến và sống tinh thần yêu mến của Chúa Giê-su…

Bạn thân mến,

Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ chính là hai ngọn đèn tỏa sáng của Giáo Hội, chính trên nền tảng Phê-rô này, mà Phao-lô nổi bật với những giáo huấn về Chúa Giê-su và đã làm cho ngài trở thành trụ cột của Giáo Hội như thánh Phê-rô.

Mừng lễ hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô hôm nay, chúng ta cầu xin hai ngài ban cho chúng ta có tâm hồn nhiệt tình với tâm tình yêu mến Chúa Giê-su, bởi vì chỉ có sự nhiệt tình mới làm cho sứ mệnh tông đồ của chúng ta được tiến triển, và Lời Chúa được mau chạy tiến bước đến với mọi tâm hồn.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ

Tin mừng : Lc 9, 11b-17.

“Mọi người đều ăn, và được no nê”.

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ kính Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su, đây là một sự tôn vinh chúc tụng ngợi khen và cám tạ hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại chúng ta, để khi chúng ta ăn và uống Máu Thịt Thánh này thì được sự sống đời đời. Trong tâm tình cảm tạ sâu sắc hồng ân này, tôi xin chia sẻ với bạn mấy điểm sau đây

1.Lao động là cơm bánh nuôi thân xác.

Khoa học ngày càng phát triển, con người ngày càng hưởng thụ, và khi thân xác được no nê đầy đủ thì linh hồn lại thiếu thốn, đó là “quy luật” của xã hội thời hiện đại. Con người ta sống ở đời không ăn không uống thì thân xác chết dần mòn, do đó mà mọi người cần phải nổ lực làm việc để có cơm bánh nuôi sống thân mình và gia đình. Khoa học càng phát triển thì con người càng khó tìm việc làm cho mình, bởi vì khoa học đã thay thế rất nhiều công việc trong các lãnh vực. Tuy nhiên lao động vẫn là nhân tố chính để khoa học tiến bộ.

Mồ hôi đổ xuống trên ruộng đồng của bác nông phu để những mảnh đất trở thành hạt lúa thơm ngon nuôi sống con người; mồ hôi đổ xuống trên những nhà máy của anh công nhân đã làm cho khoa học trở nên cơm bánh nuôi sống mọi người; mồ hôi đổ xuống trên bục giảng với hơi thở bay màu bụi phấn của các thầy cô giáo, được biến thành cơm bánh nuôi sống họ và gia đình...

Lao động là để có cơm ăn áo mặc, lao động là để có của cải giúp người nghèo khó đó là ý muốn của Thiên Chúa khi Ngài nói với nguyên tổ chúng ta: “Hãy cai quản vũ trụ...” Đó cũng là điều mà Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy: “Ai không làm thì đừng ăn”.

2.Hy sinh tận hiến làm nên Thánh Thể

Trước khi lìa thế gian để về ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su đã làm một cử chỉ yêu thương đầy khiêm tốn là rửa chân cho các môn đệ của mình, hành vi khiêm tốn này lột tả được tất cả yêu thương và hy sinh của Ngài với việc làm tiếp theo sau là lập bí tích Thánh Thể.

Bí tích Thánh Thể là bí tích Yêu Thương, là bí tích của Hy Sinh và Tận Hiến: Hy sinh thân xác mình làm giá cứu chuộc tội nhân là nhân loại chúng ta, Tận Hiến cho Chúa Cha với tất cả sự phục tùng tín thác, để thân xác hy sinh ấy trở nên tấm bánh thiêng liêng nuôi sống linh hồn người tín hữu khi Chúa Giê-su nói : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Và thật rõ ràng khi Chúa Giê-su dạy các môn đệ: hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương các ông.

Yêu thương nhau tức là hy sinh và tận hiến cho nhau, mà cao đỉnh của tình yêu hy sinh tận hiến chính là chết cho người mình yêu, cũng có nghĩa là trở nên tấm bánh cho người yêu hưởng dùng, đó chính là ý nghĩa đích thực của ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Giê-su hôm nay.

Bạn thân mến,

Mỗi lần chúng ta đi tham dự thánh lễ là chúng ta phải có tâm tình xác tín rằng: bánh miến và rượu nho trên bàn thờ ấy, cũng có những công lao vất vả mồ hôi của chúng ta góp vào, với tất cả những tâm tình hy sinh và yêu mến, nó sẽ trở nên Máu Thịt của Chúa Giê-su Ki-tô nuôi sống linh hồn và thân xác của chúng ta ở trần gian này. Do đó mà mỗi người trong chúng ta phải hết sức kính trọng, yêu mến và khiêm cung khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su nơi tay của linh mục trao ban.

Trong tâm tình ngày lễ hôm nay, tôi xin bạn hai điều :

- Với sản phẩm thành quả của lao động mà chúng ta đã làm ra, trước hết là để nuôi sống bản thân và gia đình, sau là xin anh chị em thay mặt Chúa Giê-su vươn cánh tay nối dài của Ngài nơi chúng ta đến với những người nghèo khổ, đến các viện mồ côi, viện dưỡng lão.v.v.v... để giúp đỡ họ.

- Mỗi lần đi đến nhà thờ tham dự thánh lễ, xin anh chị em ý thức rằng: mình đang về nhà Cha để cùng với các anh chị em tín hữu khác tham dự tiệc Nước Trời, do đó tôi xin anh chị em đem theo mình nụ cười tươi vui, cái bắt tay thân thiện và lời hỏi thăm quan tâm nồng nhiệt đến với mọi người mà chúng ta gặp trên đường đi, hoặc là tại nhà thờ nơi mà chúng ta đang tham dự thánh lễ ...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.