LỜI CHÚA

"Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

CN LỄ TRUYỀN GIÁO 24/10

Lời Chúa: Mt 28, 16-20

“Anh em hãy làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Chúa Cha , và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”

Bạn thân mến,
Hôm nay là ngày chủ nhật truyền giáo, Giáo Hội mời gọi chúng ta mỗi người hãy coi lại đời sống đạo của mình đã có ảnh hưởng đến một người nào khác chưa, nghĩa là cung cách sống đạo của chúng ta có làm cảm động những người khác không ?
“Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội”, bởi vì đó chính là lệnh truyền của Chúa Giê-su trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy làm phép rửa cho muôn dân, nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, và hơn hai ngàn năm qua, lệnh truyền của Chúa Giê-su vẫn còn được Giáo Hội thực hiện cho dến khi Chúa lại đến trong vinh quang.
Truyền giáo cũng là bổn phận của mỗi một người Ki-tô hữu, bởi vì khi bạn và tôi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, thì đồng thời Giáo Hội cũng đã thay mặt Chúa Giê-su trao cho chúng ta một sứ mạng cao quý, đó là sứ mạng truyền giáo. Sứ mạng này được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và soi sáng khi chúng ta đến tuổi khôn, và nhờ học hỏi và thực hành Lời Chúa, mà chúng ta biết cách đem Chúa đến cho mọi người, bằng cách ăn nết ở của mình phù hợp với tinh thần Phúc Âm, và bằng cách tham dự thật sống động các bí tích cũng như thánh lễ, bởi vì đó chính là nguồn mạch của ơn Chúa ban cho nhân loại.

Bạn thân mến,
Bạn truyền giáo bằng công việc của bạn: đi làm đúng giờ, tận tâm với công việc, hòa nhã với đồng sự, sẵn sàng giúp đỡ họ khi cần thiết; tôi truyền giáo với công việc mục vụ của tôi: cử hành thánh lễ thật sốt sắng trang nghiêm, chuẩn bị bài giảng bằng cuộc sống, vui vẻ với giáo dân và mau mắn khi đi kẻ liệt và thật vui khi có người đến xưng tội ngoài giờ...
Truyền giáo là nói về Chúa Giê-su cho người khác nghe; sống như Chúa Giê-su cho người khác thấy, nghĩa là đem Chúa Giê-su Ki-tô giới thiệu cho mọi người bằng chính cuộc sống phục vụ và yêu thương của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-------------
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Tin mừng : Mt 16, 13-19

“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời”.

Bạn thân mến,

Hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng lễ hai thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, hai vị thánh hai khuôn mặt, hai đời sống và là hai cột trụ của Giáo Hội Công Giáo, trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai nét sau đây của hai vị thánh lớn của Giáo Hội.

  1. Nhiệt tình với sứ mệnh.

Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đều có tâm hồn nhiệt tình với sứ mạng mà Chúa Giê-su đã giao phó, sự nhiệt tình này Chúa Giê-su đã nhìn thấy khi chọn các ngài làm tông đồ, và giao phó trọng trách gánh vác Giáo Hội của Ngài.

Nhiệt tình chất phác bộc trực cương nghị của thánh Phê-rô, đã được Chúa Giê-su khám phá ra khi ngài đang đánh cá với anh là An-rê, Ngài nói : “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” và hai ông đã lập tức bỏ chài lưới mà theo Ngài.

Nhiệt tình hăng hái của thánh Phao-lô đã bộc lộ rất rõ, khi ngài giữ áo cho người ta ném đá tử hình thánh Stephanô cũng như đang hăng hái bách hại Giáo Hội tiên khởi của Chúa Giê-su, sự nhiệt tình này không phải vì danh dự cá nhân, nhưng nhiệt tình vì lòng yêu mến Đức Chúa Ya-Vê của người Do Thái.

Tâm hồn nhiệt tình là điều cần thiết trước tiên để được chọn, không ai chọn một tinh binh không có dũng khí chiến đấu để làm tiên phong, cũng không ai chọn một người dù tài cao học rộng nhưng không nhiệt tình với bổn phận để giao trọng trách, nhưng người ta đã chọn người có tâm hồn nhiệt tình hăng say với công việc để giao phó sứ mệnh quan trọng…

Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ đã có đức tính này ngay trong cuộc sống đời thường của các ngài, và sau khi được chọn với ân sủng của Thánh Thần, các ngài càng thêm nhiệt tình với sứ mạng mà Chúa Giê-su Ki-tô giao phó cho các ngài, đó chính là sứ mạnh loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Nhiệt tình của chúng ta có thừa, nhưng sự nhiệt tình này chúng ta đã dùng không đúng chỗ: chúng ta nhiệt tình với bạn bè mà không nhiệt tình với Thiên Chúa; chúng ta nhiệt tình với các hợp đồng béo bở nhưng lại lạnh băng với công tác từ thiện; chúng ta nhiệt tình với những công trình tiếng tăm để đời, nhưng lại nguội lạnh với công việc mà Chúa Giê-su Ki-tô đã trao cho chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức là loan báo và làm chứng nhân cho Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc sống hằng ngày của mình.

  1. Yêu mến Chúa Giêsu hết lòng.

Một thánh Phê-rô đã ba lần trả lời với Chúa Giê-su khi được Ngài hỏi: “Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Một thánh Phao-lô đã tuyên bố: “Thật vậy, chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa” và chính ngài cũng đã không ngại ngùng nói: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi.”

Yêu mến Chúa Giê-su làm gia tăng sự nhiệt thành trong tâm hồn của các ngài, cho nên dù chịu biết bao khổ cực, nhọc nhằn, dù chịu bao nhiêu hy sinh gian nan thì các ngài vẫn cứ yêu mến Chúa Giê-su, và vì yêu mến Đấng đã chọn mình làm khí cụ loan báo tin mừng Nước Trời, nên các ngài vui lòng chia sẻ nổi khổ đau với Chúa Giê-su. Tình yêu đã làm nên những điều kỳ diệu nơi người đang yêu, và điều kỳ diệu trước tiên xảy ra chính là hai thánh Phê-rô và Phao-lô đã cảm nghiệm Đấng mình yêu đang rất gần gũi bên mình, và do đó mà hai ngài đã không quản ngại hy sinh gian khổ để làm chứng cho tình yêu…

Yêu mến Chúa Giê-su là năng lượng thúc đẩy chúng ta đi vào không gian vô tận của tình yêu Thiên Chúa, để sự nhiệt tình của chúng ta trở nên năng lực thúc đầy người khác biết yêu mến và sống tinh thần yêu mến của Chúa Giê-su…

Bạn thân mến,

Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ chính là hai ngọn đèn tỏa sáng của Giáo Hội, chính trên nền tảng Phê-rô này, mà Phao-lô nổi bật với những giáo huấn về Chúa Giê-su và đã làm cho ngài trở thành trụ cột của Giáo Hội như thánh Phê-rô.

Mừng lễ hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô hôm nay, chúng ta cầu xin hai ngài ban cho chúng ta có tâm hồn nhiệt tình với tâm tình yêu mến Chúa Giê-su, bởi vì chỉ có sự nhiệt tình mới làm cho sứ mệnh tông đồ của chúng ta được tiến triển, và Lời Chúa được mau chạy tiến bước đến với mọi tâm hồn.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ

Tin mừng : Lc 9, 11b-17.

“Mọi người đều ăn, và được no nê”.

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ kính Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su, đây là một sự tôn vinh chúc tụng ngợi khen và cám tạ hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại chúng ta, để khi chúng ta ăn và uống Máu Thịt Thánh này thì được sự sống đời đời. Trong tâm tình cảm tạ sâu sắc hồng ân này, tôi xin chia sẻ với bạn mấy điểm sau đây

1.Lao động là cơm bánh nuôi thân xác.

Khoa học ngày càng phát triển, con người ngày càng hưởng thụ, và khi thân xác được no nê đầy đủ thì linh hồn lại thiếu thốn, đó là “quy luật” của xã hội thời hiện đại. Con người ta sống ở đời không ăn không uống thì thân xác chết dần mòn, do đó mà mọi người cần phải nổ lực làm việc để có cơm bánh nuôi sống thân mình và gia đình. Khoa học càng phát triển thì con người càng khó tìm việc làm cho mình, bởi vì khoa học đã thay thế rất nhiều công việc trong các lãnh vực. Tuy nhiên lao động vẫn là nhân tố chính để khoa học tiến bộ.

Mồ hôi đổ xuống trên ruộng đồng của bác nông phu để những mảnh đất trở thành hạt lúa thơm ngon nuôi sống con người; mồ hôi đổ xuống trên những nhà máy của anh công nhân đã làm cho khoa học trở nên cơm bánh nuôi sống mọi người; mồ hôi đổ xuống trên bục giảng với hơi thở bay màu bụi phấn của các thầy cô giáo, được biến thành cơm bánh nuôi sống họ và gia đình...

Lao động là để có cơm ăn áo mặc, lao động là để có của cải giúp người nghèo khó đó là ý muốn của Thiên Chúa khi Ngài nói với nguyên tổ chúng ta: “Hãy cai quản vũ trụ...” Đó cũng là điều mà Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy: “Ai không làm thì đừng ăn”.

2.Hy sinh tận hiến làm nên Thánh Thể

Trước khi lìa thế gian để về ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su đã làm một cử chỉ yêu thương đầy khiêm tốn là rửa chân cho các môn đệ của mình, hành vi khiêm tốn này lột tả được tất cả yêu thương và hy sinh của Ngài với việc làm tiếp theo sau là lập bí tích Thánh Thể.

Bí tích Thánh Thể là bí tích Yêu Thương, là bí tích của Hy Sinh và Tận Hiến: Hy sinh thân xác mình làm giá cứu chuộc tội nhân là nhân loại chúng ta, Tận Hiến cho Chúa Cha với tất cả sự phục tùng tín thác, để thân xác hy sinh ấy trở nên tấm bánh thiêng liêng nuôi sống linh hồn người tín hữu khi Chúa Giê-su nói : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Và thật rõ ràng khi Chúa Giê-su dạy các môn đệ: hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương các ông.

Yêu thương nhau tức là hy sinh và tận hiến cho nhau, mà cao đỉnh của tình yêu hy sinh tận hiến chính là chết cho người mình yêu, cũng có nghĩa là trở nên tấm bánh cho người yêu hưởng dùng, đó chính là ý nghĩa đích thực của ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Giê-su hôm nay.

Bạn thân mến,

Mỗi lần chúng ta đi tham dự thánh lễ là chúng ta phải có tâm tình xác tín rằng: bánh miến và rượu nho trên bàn thờ ấy, cũng có những công lao vất vả mồ hôi của chúng ta góp vào, với tất cả những tâm tình hy sinh và yêu mến, nó sẽ trở nên Máu Thịt của Chúa Giê-su Ki-tô nuôi sống linh hồn và thân xác của chúng ta ở trần gian này. Do đó mà mỗi người trong chúng ta phải hết sức kính trọng, yêu mến và khiêm cung khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su nơi tay của linh mục trao ban.

Trong tâm tình ngày lễ hôm nay, tôi xin bạn hai điều :

- Với sản phẩm thành quả của lao động mà chúng ta đã làm ra, trước hết là để nuôi sống bản thân và gia đình, sau là xin anh chị em thay mặt Chúa Giê-su vươn cánh tay nối dài của Ngài nơi chúng ta đến với những người nghèo khổ, đến các viện mồ côi, viện dưỡng lão.v.v.v... để giúp đỡ họ.

- Mỗi lần đi đến nhà thờ tham dự thánh lễ, xin anh chị em ý thức rằng: mình đang về nhà Cha để cùng với các anh chị em tín hữu khác tham dự tiệc Nước Trời, do đó tôi xin anh chị em đem theo mình nụ cười tươi vui, cái bắt tay thân thiện và lời hỏi thăm quan tâm nồng nhiệt đến với mọi người mà chúng ta gặp trên đường đi, hoặc là tại nhà thờ nơi mà chúng ta đang tham dự thánh lễ ...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

CHỦ NHẬT LỄ THĂNG THIÊN

Tin Mừng : Lc 24, 46-53.

“Đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời”.

Bạn thân mến,

Hôm nay lễ Chúa Giê-su lên trời, lên trời đối với các thần học gia thì lên trời là lên ngự bên hữu Đức Chúa Cha, là Chúa Giê-su đi vào viên mãn vinh quang của Thiên Chúa, nhưng đối với người Ki-tô hữu chúng ta lên trời là lên thiên đàng. Đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.

Chúa Giêsu lên trời là một thực tại có thật theo lời tường thuật của thánh Lu-ca trong sách Công Vụ Tông Đồ cũng như trong Tin Mừng của ngài: “Và đang khi chúc lành thì Ngừơi rời khỏi các ông và được đem lên trời”, “...Nói xong, Người được cất lên ngay trước mặt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa”. Hợp rồi tan, tan rồi hợp là lẽ thường của người thế gian và hợp tan nào cũng có mất mát và đau thương, các tông đồ cũng vậy: nhớ thương và tiếc nuối. Nhưng rồi các ngài lòng cũng tràn ngập hân hoan vì lời hứa của Chúa Giê-su: Thầy đi và rồi Thầy sẽ trở lại.

Chúa Giê-su lên trời là lên thiên đàng sau khi đã chiến thắng tử thần của ma quỷ, là niềm hy vọng của bạn và tôi, và của những ai vì Ngài mà chịu sỉ nhục ở đời này.

Cuộc sống đời này của bạn và tôi là chuẩn bị cho ngày sau ở trên thiên đàng, như Chúa Giê-su đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, chúng ta cũng sẽ chiến thắng cái làm cho chúng ta không được lên thiên đàng, mà cái gì làm cho chúng ta không được lên trời với Chúa Giê-su, đó là:

- Tội lỗi: đây là ngục tù kiên cố nhất nhốt chúng ta lại không cho chúng ta lên trời với Chúa Giê-su.

- Cái tôi: đây là cái đã xiềng đôi chân của chúng ta, không cho chúng ta đi tới với Chúa Giê-su trong cuộc sống đời thường...

- Kiêu ngạo: là nguyên nhân thứ nhất để cho tội lỗi vào trong thế gian, nó cũng là cái làm cho chúng ta xa lìa ân sủng của Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày...

Bạn thân mến,

Chúa Giê-su lên trời trước mặt các môn đệ để cho chúng ta hiểu rằng, sứ mạng của Ngài ở trần gian đến đây là kết thúc, kết thúc mà không đóng lại, nhưng tiếp tục bắt đầu từ nơi các tông đồ là những người được sai đi, để làm cho muôn dân nhận biết Tin Mừng của Thiên Chúa, và quan trọng hơn chính là mọi người cùng nhau tham dự tiệc cưới trên thiên đàng của Con Chiên đã chiến thắng tử thần và tội lỗi.

Lên thiên đàng là mục đích sống của bạn và tôi ở trần gian này, vì thế Chúa Giê-su muốn mỗi người trong chúng ta hãy mau mắn gởi “các vật liệu” về thiên đàng để các thiên thần giúp xây nhà hạnh phúc viên mãn, “các vật liệu” của chúng ta là khiêm tốn, hy sinh, phục vụ và yêu thương tha nhân như chính mình...” đó là các vật liệu bền chắc không sợ mối mọt gặm nhấm...

Mừng lễ Chúa Giê-su lên trời vinh hiển, tức là bạn và tôi cũng mừng lễ lên trời của chúng ta, bởi vì không lẽ “đầu” –là Chúa Giêsu- đã lên thiên đàng, còn “thân mình” –là Hội Thánh- thì ở dưới vực sâu sao ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------------
Lm.Giuse-Marai Nhân Tài, Csjb.

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

ĐỀN THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Đón nhận tước hiệu Đền Thánh : Lòng Thương xót Chúa.
Giáo xứ Liễu Đề - Giáo phận Bùi Chu


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiSBw1QlMp4Lcf0YP87XAgIq0kdabb3ghFZ0t682Q6SkyfRl8EulS85SZh9f56WUWOSg9kTSLgkJ5KtPyIxqu1MJgHZ1qSYQtH0SQov6gozz7L-nnYS_y9CPqEJJryrJSzlyE85sY31eEIe/s1600/DSC03143.JPG

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjQhfjiSxp09azJIvYS318BKe64GjUC3WH0u2bAe0LEDPp0PigNjbq1QvE5kTqHqUM-5ebpsNVBlt9bXHLWfOch0Kuw6iP_MRj1S1iUW44PMXeXX59aXp0hdgPtAcSt_MLA6iUgUB_7tQ1L/s1600/DSC03164.JPG

NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH

“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đó chính là lý do mà Đức Giêsu đã phải xuống thế làm người. Và đó chính là sứ điệp mà Đức Giêsu đã bày tỏ với Nicôđêmô trong một đêm hai người gặp gỡ.
Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu luôn trình bày cho mọi người thấy khuôn mặt về một Thiên Chúa là tình yêu. Một Thiên Chúa như là Người Mục Tử nhân lành; sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Vị Thiên Chúa đó chính là Ngài như lời Ngài khẳng định : “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga10,30).
Có vẻ như nhiều người Do Thái không hiểu lời loan báo này. Vì thế đã có biết bao câu hỏi được đặt ra. Đã có rất nhiều lời đồn đoán về Ngài. Khi thì họ nghi rằng Ngài là “Ông Gioan Tẩy Giả”. Lúc họ nghĩ rằng Ngài là “ông Êlia hay một ngôn sứ nào đó”…
Sự không hiểu biết đó đã dẫn đến những tranh luận gay gắt giữa Đức Giêsu và người Do Thái. Hôm nay, trong dịp “lễ Cung Hiến Đền Thờ”. Khi thấy “Đức Giêsu đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Salômôn”. Người Do Thái – một lần nữa – không bỏ lỡ cơ hội. Họ vây quanh Đức Giêsu và một cuộc chất vấn nổ ra. Họ muốn được biết sự thật về một “Đấng Kitô” mà lâu nay đã khiến cho : “lòng trí họ phải thắc mắc”. (Ga 10, 24).
Không quá khó để Đức Giêsu có một câu giải đáp thắc mắc cho họ. Nhưng cái khó ở đây là vì - như lời Đức Giêsu đã nói với họ rằng : “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.”(Ga 10,25). Cuộc chất vấn chấm dứt một cách đáng thất vọng. Thất vọng vì “họ không tin” Đấng Kitô mà họ đang khao khát được biết chính là : “Đức Giêsu - Người Mục Tử nhân lành”. Người mục tử sẵn sàng : “Hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” Và sẵn sàng bảo vệ đàn chiên để : “không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng” (Ga 10,28).

Một chút tâm tình…

Có hình ảnh nào đẹp và dễ thương hơn cho bằng hình ảnh Đức Giêsu ví Ngài là : “Người Mục Tử Nhân Lành”. Thánh Vịnh hai mươi ba là một Thánh vịnh đã mô tả hình ảnh người mục tử nhân lành đầy ấn tượng. Hình ảnh người mục tử đó đã để lại nơi chúng ta một cảm giác an toàn và hạnh phúc.
Có gì hạnh phúc và an toàn hơn khi chính : “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”. (Tv 23, 1-2). Và dù có phải : “Qua thung lũng âm u… con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng”.(Tv 23, 4).
Vâng, không có gì an toàn và hạnh phúc hơn khi chúng ta : “Nghe tiếng Chúa, Chúa biết chúng ta và chúng ta theo Chúa…”

Một phút suy tư…

Hôm nay; khi nói đến người mục tử - hẳn nhiên chúng ta nghĩ đến các vị chủ chăn của chúng ta. Họ là những Giám Mục và Linh Mục. Những người kế vị các thánh tông đồ quyền “chăm sóc và chăn dắt” qua Bí Tích Truyền Chức Thánh.
Nếu các Linh Mục khi lãnh nhận Bí tích truyền chức; họ được trao ban chức tư tế - “Tư tế thừa tác”. Thì người Kitô hữu khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy; cũng được trao ban chức tư tế - nhưng là “tư tế cộng đồng”.
Công Đồng Vatican II dạy rằng : “Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về yếu tính; song cả hai bổ sung cho nhau. Thật vậy, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách riêng của mình” (Hiến chế tín lý về Giáo Hội – số 10).
Khi đã nhận thức được điều này thì bàn tay của người “tư-tế-cộng-đồng” thay vì vội vã vung tay lên án bởi một vài sự yếu đuối của một vài thành phần mục tử trong Hội Thánh. Nhưng hãy đưa bàn tay ra hiệp thông với người “tư-tế-thừa tác” - như lời Linh Mục Charles E.Miller đã nói : “không phải tay này đặt lên tay kia như thể có sự khác biệt bên trọng bên khinh… Trái lại, chúng phải là hình ảnh hai bàn tay áp chặt vào nhau, lòng bàn tay này với lòng bàn tay kia trong dáng điệu cầu nguyện” ( nguồn : Sunday Preaching).
Thánh Lễ là hình ảnh đẹp nhất cho sự hiệp thông giữa người tư-tế-cộng-đồng và Linh Mục chủ tế - người tư-tế-thừa-tác. Lời kinh nguyện Thánh Thể III nêu bật sự kiện này : “Khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được tràn đầy Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”.
Linh Mục và giáo dân bổ sung cho nhau. Cùng nhau dâng lời cầu nguyện trong Phụng Vụ. Tất cả không chỉ làm trọn chức Thượng Tế duy nhất của Đức Giêsu Kitô mà còn – một lần nữa – khẳng định trước mọi người rằng : Đức Giêsu Kitô – Ngài chính là “Người Mục Tử Nhân Lành”.
--------
Petrus.tran

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Tin mừng : Ga 20, 1-9.

“Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.

Bạn thân mến,

“Chúa đã sống lại rồi- Alleluia !”

Đó là điệp khúc vui mừng của bạn và tôi và của cả nhân loại, vui mừng vì nhân loại sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, vui mừng vì từ nay cửa thiên đàng rộng mở chờ đón chúng ta, vui mừng vì sự ác sẽ không còn thống trị mặt đất nữa, nhưng cái vui mừng hiện tại nhất của chúng ta hôm nay chính là: chúng ta đã được cùng với Chúa Ki-tô sống lại sau bốn mươi ngày chết cho tội lỗi.

Trong niềm vui phục sinh hôm nay, tôi xin chia sẻ với bạn hai điểm này :

1. Phục Sinh là trỗi dậy và đi lên.

Chúa Giê-su đã phục sinh, Ngài đã trỗi dậy ra khỏi mồ và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, đó là đức tin và là niềm vui cứu độ của chúng ta.

Chúa Giê-su đã phục sinh, nghĩa là Ngài đã trỗi dậy từ thân xác bất động trở nên sống động, từ trong mộ đá lạnh tanh toả sáng vinh quang phục sinh của Thiên Chúa, từ cõi chết đi qua sự sống, đó chính là những dấu hiệu để cho chúng ta thấy được rằng, Ngài chính là Thiên Chúa và là Đấng duy nhất cứu độ trần gian.

Chia sẻ niềm vui phục sinh này với Chúa Ki-tô, không phải là bạn và tôi chỉ hân hoan hát Alleluia mà thôi, nhưng chúng ta phải thật sự sống lại với Ngài, đi ra khỏi tội lỗi và nơi chốn khiến chúng ta phạm tội, để nơi nào có mặt chúng ta là ở đó ánh sáng phục sinh của Chúa Ki-tô chiếu rọi, để chúng ta hấp dẫn người khác đi theo ánh sáng Tin Mừng của Ngài.

2. Phục Sinh là hiệu quả của yêu thương.

“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”[1] và thế là mọi sự đã hoàn tất[2]: hoàn tất cuộc khổ nạn, hoàn tất chương trình cứu độ ở trần gian, hoàn tất ba mươi ba năm chia sẻ thân phận làm người, để rồi đỉnh cao hoàn tất chính là sự phục sinh vinh hiển của Ngài –Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ trần gian.

Phục Sinh là hiệu quả của tình yêu, Chúa Giê-su Ki-tô vì yêu thương nhân loại đã đi qua sự chết và đã sống lại, đó chính là hạt lúa mì được gieo vào lòng đất, chịu mục nát và trở thành cây lúa mì đơm hoa kết trái nuôi sống muôn người. Chúa Ki-tô chính là hạt lúa mì, là hạt tình yêu bởi trời gieo vào trong thế gian, để cho thế gian nhờ Ngài mà được sự sống đời đời.

Chúa Ki-tô đã sống lại, Ngài cũng mời gọi bạn và tôi cùng sống lại với Ngài để đem niềm tin yêu phục sinh này cho mọi người, đó chính là nguồn mạch của yêu thương, bởi vì tình yêu không qua đau khổ là tình yêu chưa trọn vẹn và chưa hoàn hảo. Do đó, khi chúng ta loan báo tin vui Phục Sinh cho tha nhân thì chính là lúc chúng ta làm chứng rằng phục sinh không chỉ là Chúa Ki-tô sống lại mà thôi, nhưng còn là sự sống lại cho những kẻ tin yêu Ngài mà chịu nhiều gian khổ và hi sinh.

Bạn thân mến,

Chúa Ki-tô đã sống lại như lời của Ngài đã nói, sự sống lại này đã đổi mới và thánh hóa tâm hồn tội lỗi của chúng ta trở nên đền thờ của Ngài.

Ba ngày trong mồ đá là biểu tượng quyền lực của ma quỷ tạm thời thắng thế, nhưng ba ngày sau trở đi thì từ trong mồ đá này, ma quỷ đã thất bại vì Đấng tạm thời khuất phục sự chết -Chúa Ki-tô- đã sống lại vinh hiển, đã chiến thắng tử thần và muôn đời thống trị ma quỷ ác thần. Chúa đã sống lại rồi, Alleluia.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------
Lm.Giuse-Maria Nhân Tài, Csjb.

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Tin mừng : Lc 22, 14- 23,56


Hôm nay chúng ta nghe lại bài “Thương Khó” nói về cuộc tử nạn của Đức Giêsu. Từ vườn Ghetsemani cho tới dinh thượng hội đồng. Từ dinh tổng trấn cho tới dinh bạo chúa Hêrôđê. Có vẻ như chúng ta thường mệt mỏi vì bài Thương Khó quá dài. Và dường như có lúc chúng ta xao lãng mất tập trung.
Chúng ta có bao giờ dửng dưng đứng nhìn.. bàng quang… xa lạ… thờ ơ .. trước nỗi đau khổ của Ngài ??? Thật ra nỗi đau khổ và cái chết của Ngài là vì : “Yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Galat 2,…20).
Cảm nghiệm được nỗi đau đớn bị hành của Ngài trước bạo quyền, bạo lực. Cảm nghiệm được nỗi cô đơn của Giêsu khi ba người môn đệ thân tín ngủ vùi. Cảm nghiêm được sự đau buồn của Giêsu về sự bội phản của Giuda. Cảm nghiệm được sự ngỡ ngàng của Giêsu khi mọi người đòi thả Baraba – một tên phản loạn. Cảm nghiệm được sự cô độc khi đám đông vẫn theo Ngài “xin ăn” nay lại giơ “nắm đấm” đòi đóng đinh Ngài..
Vâng, nếu chúng ta cảm nghiệm được tất cả những gì mà Giêsu đã phải trải qua… Chúng ta chẳng còn gì phải run sợ trước bạo quyền, bạo lực. Chẳng có gì phải đau buồn khi bị phản bội. Chẳng có gì phải ngỡ ngàng khi “chân lý và sự thật” bị chà đạp. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi phải đơn thân độc mã bước đi trên con đường công lý.
Một khi chúng ta cùng đồng hành với Đức Giêsu đi trên “Con Đường Thập Giá”. Cùng vác Thánh Giá với Ngài như “Simon Kyrênê” xưa kia. Vâng, chúng ta hãy cùng Ngài mà thưa với Chúa Cha rằng : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
SAIGON - LỄ LÁ 2010
Trích : Ngày dài nhất của Petrus.tran

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2010

CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY : NGƯỜI CHA NHÂN TỪ

Tin Mừng : Lc 15, 1-3. 11-32

“Em con đây đã chết mà nay sống lại.”

Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, nổi bật ba nhân vật chính với ba tâm tình và tính cách khác nhau, đó là lòng thương yêu của người cha, hưởng thụ trong tội lỗi của đứa con thứ hai, và sự phân biệt đối xử của người con cả. Chúa Giê-su đã rất tinh tế khi nói lên ví dụ cách thực tế này.

1. Lòng thương yêu của Thiên Chúa (người cha).

“Em con đã mất nay đã tìm thấy, đã chết mà nay lại sống”, là câu nói bày tỏ tất cả tình thương của Thiên Chúa là Cha với tất cả mọi người con của Ngài là nhân loại tội lỗi, cha mẹ có thể yêu thương con rất nhiều nhưng không thể nào yêu thương vô bờ bến, bởi vì cũng có lúc cha mẹ đăng báo từ con, chối từ nhận đứa con hoang đàng phung phí tội lỗi làm con của mình, vì thế giá và vì danh dự của gia đình. Nhưng Thiên Chúa thì không như vậy, thế giá và danh dự của Ngài cả trời đất vạn vật không thể nào tả cho hết, nhưng vì yêu nhân loại tội lỗi mà danh dự và thế giá của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô đã bị đánh đòn, bị treo trên thập giá và bị chết cách nhục nhã để cứu chuộc nhân loại tội lỗi...

2. Người tội lỗi (đứa con thứ hai).

Chung quanh chúng ta có rất nhiều người sống trong tội, bên cạnh chúng ta có nhiều người công giáo không đi nhà thờ, và cũng có nhiều người mà chúng ta quen biết đang ngày càng xa Chúa, đó là những người mà chúng ta cho rằng họ là những tội nhân cần đến lòng thương xót của Chúa.

3. Người đạo đức phân biệt đối xử (đứa con cả).

Người đạo đức thì không như người tội lỗi, họ tuân giữ luật Chúa, họ siêng năng đi lễ nhà thờ, họ tham gia các công tác và giúp đỡ tiền bạc cho nhà thờ...

Họ như người con cả siêng năng làm việc biết phụng dưỡng và biết vâng lời cha già, cho nên trong cuộc sống họ phân biệt rõ ràng người đạo đức và người tội lỗi thì không thể nào chung đụng nhau, không thể tha thứ với hạng người tội lỗi...

Bạn thân mến,
Thiên Chúa là cha nhân từ của người lành cũng như người ác, Ngài đã cho mưa xuống trên ruộng đồng của người lành cũng như người tội lỗi, Ngài cũng cho ánh sáng mặt trời chiếu rọi trên mặt đất để soi sáng cho người đạo đức cũng như người không đạo đức, đó là tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Chúng ta thường tự hào mình là người Ki-tô hữu ngoan đạo, nhưng lại khinh chê những người không phải là Ki-tô hữu hoặc những người tội lỗi; chúng ta thường tự hào mình là người luôn tuân giữ luật Chúa, nhưng lại luôn phân biệt đối xử với người tội lỗi; chúng ta thường cho mình là người đạo đức, nhưng lại không chấp nhận người anh em trở về với Chúa. Tất cả những thái độ ấy đều là của người anh cả trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, đó cũng là thái độ thường có của chúng ta trong cuộc sống thường ngày...

Mùa chay là mùa mà Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài trên nhân loại rõ ràng nhất, do đó Ngài cũng muốn chúng ta –những người Ki-tô hữu- cũng làm như thế đối với những anh em chị em lầm đường lạc lối của mình. Đó là ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay vậy.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------
Lm. Giuse-Maria Nhân tài, Csjb.

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY

VINH QUANG CỦA ĐỨC GIÊSU.
Tin mừng Lc 9, 28b-36


Trung tâm điểm của niềm tin Kitô giáo đó là cuộc tử nạn và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế mà hằng năm; Giáo Hội dành ra một thời gian dài để chuẩn bị cho đại lễ mừng kính trọng thể Đức Giêsu Kitô đã sống lại. Thời gian chuẩn bị đó kéo dài bốn mươi ngày mà chúng ta quen gọi là "mùa chay thánh".
"Mùa chay thánh" là mùa mà chúng ta thường nghĩ đến sự kiêng ăn và hãm mình. Thế nhưng nếu nhìn theo một hướng tích cực hơn nữa thì đây là một cơ hội để người Kitô hữu thay-đổi-cuộc-sống bằng sự biến đổi tâm hồn mình.
Không phải là ngẫu nhiên khi Giáo Hội trích Tin Mừng thánh Luca : (9, 28-36) để đọc trong Chúa Nhật thứ hai mùa chay. Bởi trình thuật này cho thấy sự nổi bật của chủ đề được nêu lên đó là sự "biến đổi".
Sự kiện Đức Giêsu lên núi cầu nguyện và bắt đầu mạc khải "Mầu-nhiệm-Vượt-Qua" bằng việc biến-đổi-hình-dạng với : "dung mạo Người bổng đổi khác và y phục Người trắng tinh chói lòa" như muốn nói lên rằng : Sự "hiển dung" này báo trước vinh quang sẽ đến với Đức Giêsu trong : "cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem" (Lc 9, ...31).
"Vinh quang của Đức Giêsu" (bên cạnh) sự rạng ngời vinh hiển của hai nhân vật Môsê và Êlia"(Lc 9, 31-32) có thể nhìn như một dấu chỉ nói lên rằng : Thiên Chúa luôn đồng hành bên người Con-của-Ngài. Đồng hành từ đau khổ đến vinh quang; từ ô nhục đến chỗ được siêu tôn; từ cái chết trên thập giá đến sự phục sinh vinh hiển.
Sự biến hình của Đức Giêsu như một ấn chứng dẫn đưa chúng ta đặt trọn niềm tin vào "mầu nhiệm vượt qua" nơi mà cái chết và sự sống lại của Ngài cho thấy "cuộc sống con người" sẽ không bị kết thúc trong quên lãng.
một chút tâm tình...
Chúng ta được thông phần vào "mầu nhiệm vượt qua" nhờ Bí tích thanh tẩy. Cùng với Đức Kitô - ta chết cho tội lỗi ngõ hầu có thể bắt đầu một cuộc sống mới trong ta. Đây chính là sự biến đổi. Một biến đổi trong cuộc sống của người Kitô hữu. Một cuộc sống như Tông Đồ Phao-Lô đã nói : "Tôi sống nhưng không còn là tôi sống nữa. Nhưng là Đức Kitô sống trong tôi"(Gal 2,20).
một phút suy tư...
Thế giới mà chúng ta đang sống là một phần của Nước Thiên Chúa - Vương Quốc của chân lý và tình yêu. Là người Kitô hữu - chúng ta tin rằng mọi sự cũng đang được "biến đổi". Với niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh - "sự chết chỉ là sự biến đổi chứ không hề tiêu tan" (Kinh tiền tụng 1). Sự-biến-đổi đó được nuôi dưỡng bởi chính sự biến đổi của Đức Giêsu qua bí tích Thánh Thể - Mình Máu Thánh của Ngài.
Trong Thánh Lễ - chúng ta nối bước nhau lên "rước lễ". Có khác nào một đoàn dân đang lữ hành. Một cuộc lữ hành về "Trời Mới Đất Mới". Khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể cho thấy chúng ta đặt niềm tin vào lời hứa của Đức Giêsu : "Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại (biến đổi từ cái chết đến sự sống) vào ngày sau hết. (Ga 6,54).
MÙA CHAY 2010 - PETRUS.TRAN

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Suy niệm Mùa Chay

VƯỜN GHETSEMANI...


Đang khi Giêrusalem say nồng trong giấc ngủ. "Đức Giêsu cùng các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani". (Mc 14, 32). Ngọn núi ôliu bỗng chuyển mình thức giấc; tiếng lá cây rơi xào xạc tạo nên một âm thanh nghe như than vãn... như ai oán não nề...
Khung cảnh nên thơ thường ngày của vườn cây dầu nhường chỗ cho sự ngột ngạt đến lạnh lùng. Sự lạnh lùng của những tên "bội phản"...
"Lạy Cha... nếu có thể !" (Mt 26,39)
Đức Giêsu : "quỳ gối cầu nguyện". Người cảm thấy "buồn đến chết được". Buồn vì : "(đã) có một người... sẽ nộp (mình)..." Kẻ-phản-bội đã bị lột mặt nạ. Satan đã nhập vào y. Và y đã ra đi... "Lúc đó trời đã tối".(Ga 13,30).
Đắm mình trong sự nguyện cầu. Đức Giêsu cất tiếng : "Ap-ba ! Cha ơi... Cha làm được mọi sự; xin cất chén này xa con". (Mc 14,36). Chén của đau khổ và chết chóc !!!
Than ôi ! Đức Chúa Cha - có vẻ như vẫn thinh lặng một cách khó hiểu !!! Sự thinh lặng đó đã làm cho Giêsu : "vã mồ hôi... như những giọt máu rơi xuống đất" (Lc 22,44). Khuôn mặt Ngài lộ rõ vẻ : "hãi hùng xao xuyến". Bằng chứng của một trạng thái đang phải chiến đấu. Một cuộc chiến đấu đầy cam go với ác thần.
Giờ "G" đã gần điểm... Chúa Cha như thấu suốt được nỗi lòng người Con-của-Ngài. Và kìa : "thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho (Đức Giêsu)". Con-của-Ngài như đã hiểu được thế nào là sự phó-thác-trong-tay-Cha nên đã "sấp mặt xuống với lời nguyện cầu :...xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha muốn" (Mt 26, ...39).
Một chút tâm tình...
Là một Kitô hữu - là người tin vào Đức Giêsu Kitô - chúng ta cũng sẽ phải bước vào : "vườn Ghệt" như là một sự khởi đầu cho cuộc hành trình về "Giêrusalem mới".
Không một Kitô hữu nào được "đặc cách" cho rằng mình là một ngoại lệ...
Bước vào Ghêtsêmani hôm nay - chúng ta cũng sẽ phải chiến đấu với tâm trạng âu lo.. buồn phiền...xao xuyến...như xưa kia Đức Giêsu cũng đã phải trải qua.
Chúng ta sẽ phải nhìn thấy chính bản thân mình đang trải qua những nỗi đau tuyệt vọng... Tuyệt vọng khi phải chứng kiến cảnh người thân yêu của mình ra đi.
Tuyệt vọng đến nỗi : "người đi một nửa hồn tôi chết. Một nửa hồn tôi hóa dại khờ !!!"
Chúng ta sẽ phải buồn phiền bởi những nỗi "buồn hiu hắt buồn"... Những nỗi buồn "đến-chết-được"...vì sự dối trá.. vì sự lừa lọc... Những nỗi buồn vì sự phản bội : "thôi là hết anh đi đường anh" !!!
Chúng ta sẽ phải "âu lo" bởi sự bắt bớ... tù đày.. ngược đãi... chỉ vì sống chứng nhân cho "chân lý và sự thật".
Nhưng có phải thế mà chúng ta cảm thấy nản lòng !!!
một phút suy tư...
Cuộc chiến đấu của Đức Giêsu trong vườn "Ghệt" không thất bại. Trái lại, Ngài đã chiến thắng. Chiến thắng không bởi gươm giáo. Như có lần Ngài đã nói cùng Phêrô - người môn đệ của mình - rằng : "ai dùng gươm sẽ chết vì gươm". Sự chiến thắng của Ngài dựa trên niềm tin phó thác và nguyện cầu.
Từ núi "Oliu" với "ba lần" nguyện cầu; cho đến nơi gọi là "cái Sọ" - Đức Giêsu vẫn trung thành với lời cầu nguyện phó thác : "Lạy Cha ! Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha." (Lc 23,46).
Đó có là "bài học"... là "tấm gương" cho chúng ta là những người môn đệ của Ngài !!!
Hãy nghe lời "trách-yêu" của Thầy Chí Thánh : "Sao anh em lại ngủ ? Dậy mà cầu nguyện..." (Lc 22,46)
---------
Petrus Tran.

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

Thứ tư Lễ Tro

Chay tịnh, dấu chỉ thế giới mới

Phụng vụ thứ tư Lễ Tro được ghi dấu trong lịch sử như khởi đầu thời kỳ sám hối công cộng, thời kỳ gia tăng việc giáo huấn các dự tòng, những người sẽ được rửa tội trong đêm Vọng Phục sinh, mở ra thời gian cứu độ của Mùa Chay.Tinh thần cộng đồng cầu nguyện, châ tả cách tượng trưng trong nghi thức xức tro trên đầu, nói lên lòng khiêm cung đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Vượt lên trên ý nghĩa tập tục nơi các tôn giáo khác, người kitô hữu tiếp tục sống ý nghĩa những thực hànhn thành quay về với Chúa mà các bài sách Thánh hôm nay trình bày, được diễn đền tội của thời Cựu Ước, như dấu chỉ chay tịnh của cuộc hành trình thiêng liêng mùa chay, và để nhận rằng, thân xác chúng ta, dựng nên từ cát bụi, sẽ trở về cát bụi, như một hy lễ dâng lên Thiên Chúa của sự sống, kết hiệp với cái chết của Con Một Ngài. Do đó mà ngày thứ tư lễ Tro, cũng như suốt mùa chay còn lại, tự nó không có ý nghĩa gì, nhưng dẫn đưa chúng ta đến biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu, mà chúng ta cử hành với niềm hy vọng rằng chúng ta cũng sẽ được biến đổi như ngài.

Việc canh tân phục sinh được các người tin vào Đức Kitô loan báo rằng, noi gương Thầy chí thánh, họ thực hành chay tịnh những của cải và những cám dỗ thế gian, rằng Ma quỷ là tên lừa bịp chúng ta rơi vào cám dỗ. Việc tiết chế ăn uống phần xác là dấu chỉ việc người kitô sẵn sàng nghe theo hành động của Thánh Thần và việc chúng ta liên đới với những người mong chờ trong tinh thần nghèo khó bữa tiệc vui vĩnh cửu. Như vậy việc từ bỏ những vui thích và những thỏa mãn chính đáng bổ túc cho đòi hỏi của việc chay tịnh, biến đổi thời gian ân sủng thành một lời loan báo về một thế giới mới, được giao hòa với Chúa.
__________________
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

Mùng 2 Tết : KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN

(Mt 15, 1-6)
Mỗi năm vào ngày mồng hai tết, Giáo Hội luôn dành một ngày để con cái cháu chắt có dịp báo hiếu tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên.Đây là hình thức rất có ý nghĩa, Giáo Hội giúp mỗi người còn được diễm phúc sống dưới trần gian này hiểu được thế nào là công lao của ông bà tổ tiên. Có tổ tiên, có ông bà mới có cha mẹ rồi mới có chúng ta : đây là một điều hiển nhiên ai cũng phải hiểu và cảm nghiệm một cách sâu sắc công ơn trời biển của tổ tiên ông bà, của cha mẹ vv…” Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra “, ca dao Việt Nam quả có lý khi đề cập tới nghĩa vụ của con cái đối với mẹ cha. Do đó, hôm nay, mọi người dâng thánh lễ này cầu nguyện cho các bậc sinh thành rất hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam chúng ta, đồng thời cũng rất thực tế với dạy của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu.
CUỘC TRANH LUẬN GIỮA CÁC NGƯỜI PHARISÊU, CÁC KINH SƯ VÀ CHÚA GIÊSU : Trong đoạn Tin Mừng thánh Matthêu xoay quanh cuộc tranh luận của Đức Giêsu với các người Pharisêu, các Kinh sư về bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Đối với các người Pharisêu, các kinh sư họ cho rằng theo lời của tiền nhân thì tất cả những gì họ làm cho cha mẹ đều là tế phẩm dâng lên Thiên Chúa, do đó, họ làm như thế là vừa đủ rồi, không cần phải thờ cha kính mẹ nữa. Người Pharisêu và Kinh sư giới hạn bổn phận con cái dựa trên hoàn toàn vật chất, một nghĩa vụ vật chất được họ gán cho nghĩa vụ đạo đức. Đối với Đức Giêsu, Ngài nhắc nhở cho các Pharisêu, các Kinh sư và mọi thế hệ, mọi người chúng ta rằng :” Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử “.Ngay trong điều răn thứ bổn của thập giới cũng viết:” Thảo kính cha mẹ “. Như thế rõ ràng Thiên Chúa dạy con người phải thảo hiếu với mẹ cha không chỉ dừng ở của cải vật chất nhưng phải hiếu thảo bằng cả tấm lòng yêu thương, tôn kính, mến yêu đến nỗi ai nguyền rủa cha mẹ tức là đụng đến nhân phẩm, đụng đến quyền làm người của cha mẹ, thì phải bị xử tử. Chính vì thế, lập trường của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với người Pharisêu và các Kinh sư. Chúa Giêsu mở ra một giá trị mới, một đạo hoàn toàn dựa trên tình thương.
VẤN ĐỀ HIẾU THẢO BỊ LUNG LAY : Nếu lược qua các nơi, các nước chúng ta như nhận ra được cái yếu của nhiều gia đình. Bởi vì đời sống của nhiều gia đình hiện nay đang vấp phải khủng hoảng về đức tin, về đạo lý, Nhiều con cái chỉ dừng trên nghĩa vụ, bổn phận lo lắng cho cha mẹ của cải vật chất, mà quên đi cha mẹ còn phải được kính trọng và yêu mến. Vật chất chỉ là giá trị bề ngoài nhưng chính giá trị tinh thần, giá trị đạo đức mới quan trọng cho đời sống cha mẹ. Ngày nay có nhiều gia đình con cái đối với cha mẹ không ra làm sao cả. Nên, giá trị đạo đức bị đảo lộn, con cái coi vật chất là trên hết, có nhiều đứa con đặt tiền tài trên nghĩa vụ làm con.Ở nhiều nước văn minh có nhiều gia đình con cái sẵn sàng gửi cha mẹ vào các nhà dưỡng lão đầy đủ tiện nghi nhưng lại thiếu thái độ”thờ cha kính mẹ “ theo ý của Thiên Chúa là “ Hãy thảo kính cha mẹ “.Các Giám mục Việt Nam trong năm 2007 và 2008 đã ra hai thư mục vụ nói về gia đình. Điều này nói lên sự quan trọng của nền tảng gia đình. Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2008 viết về gia đình Nagiarét :” Các Ngài là những bậc cha mẹ gương mẫu, luôn biết đón nhận thánh ý Chúa và đem ra thực hành. Trong gia đình Nagiarét mọi thành viên đều tôn trọng nhau, mong muốn cho nhau điều tốt và cùng nhau thực hiện ý của Cha trên trời. Thánh Giuse và Đức Maria là những nhà giáo dục tài giỏi đã chu toàn sứ mạng được trao phó trong sự khôn ngoan và trung tín. Xin các Ngài chuyển cầu và luôn phù trợ cho các gia đình chúng ta”.Gia đình thánh gia là gia đình gương mẫu cho mọi gia đình bởi vì Chúa luôn hiếu thảo đối với thánh Giuse và mẹ Maria.
ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG : Cha mẹ là người sinh ra chúng ta, chúng ta phải hết lòng tôn kính, yêu thương cha mẹ. Ai cũng có cha có mẹ. Cha mẹ sinh ra chúng ta, cha mẹ nuôi dưỡng chúng ta, chúng ta phải hết lòng hiếu thảo với cha mẹ. Chúa nói : “ Hãy thảo kính cha mẹ “. Bổn phận của con cái là nuôi dưỡng, thăm hỏi khi cha mẹ còn sống, lúc qua đời phải xin lễ, cầu nguyện cho cha mẹ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu được rằng Chúa cũng có một gia đình, có cha có mẹ, Chúa đã hiếu thảo với cha mẹ, xin cho chúng con luôn biết báo đáp mẹ cha. Amen.
---------
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2010

Chúc mừng năm mới - Xuân Canh Dần!

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mathêu (Mt 6 : 25-34)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn, hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".

Đó là lời Chúa.

MỘT PHÚT SUY NIỆM

Thời gian là của Chúa. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con bước vào thềm Năm Mới. Ngày Đầu Năm là khoảng thời gian rất linh thiêng. Thời gian đẹp nhất và vui mừng nhất vì gia đình xum họp. Con cái về bên cha mẹ, con cái chúc tuổi cha mẹ và cha mẹ sẽ lì xì và chúc lành cho con cái.

Nhìn lại năm qua, chúng ta thấy đã có nhiều sự thay đổi. Có nhiều gia đình đã mua nhà mới, xe mới, con cái từng đứa đã ra trường và đã có công ăn việc làm. Có gia đình đã thêm con, thêm cháu và có dâu, có rể. Nhìn lại chúng ta cũng thấy có những mất mát, có những người đã ra đi và có những thất bại trong cuộc sống. Tất cả những buồn vui của cuộc sống đã đánh dấu những tháng ngày chúng ta nhận lãnh ơn của Chúa.

Đây phải là ngày tạ ơn. Tạ ơn Chúa cho chúng ta có gia đình. Tạ ơn Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và được làm con Chúa. Tạ ơn Chúa đã nối kết chúng ta thành cộng đoàn. Tạ ơn Chúa cho chúng ta có thầy dạy, có bạn bè cùng chung sống và nâng đỡ chúng ta. Tạ ơn Chúa cho chúng ta có cơm ăn áo mặc. Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta có sức khỏe, có khả năng, có thời giờ để sống và giúp đỡ anh chị em. Tạ ơn Chúa cho chúng ta có công ăn việc làm và có con cái ngoan hiền. Tạ ơn Chúa cho chúng ta sống thêm một năm mới.

Thời giờ là của Chúa. Chúa nói với chúng ta rằng : Các con chớ áy náy lo lắng phải ăn gì, uống gì và mặc gì. Tiên vàn các con hãy tìm nước Thiên Chúa. Chúa yêu thương quan phòng mọi sự. Hãy nhìn xem Chúa lo cho bông huệ ngoài đồng có hương sắc tuyệt vời. Chúa lo cho chim sẻ có của ăn nuôi sống hằng ngày. Chúng ta đừng quá áy náy lo lắng cho ngày mai. Mỗi ngày có niềm vui và sống trọn niềm vui mỗi ngày.

Hãy dùng thời giờ để sinh lợi cho Chúa và ích lợi cho nhau. Thời giờ chính là quà Chúa ban cho chúng ta một cách nhưng không. Chúng ta hãy tận dụng mọi khả năng và thời giờ Chúa ban để sống tốt. Truyện kể một cô gái làm nghề luật sư ở xa nhà. Cô có cha già. Họ đã không gặp nhau mấy tháng. Người cha gọi cô và hỏi khi nào cô sẽ về thăm. Cô gái bắt đầu kể lể nói cho ông biết những công việc phải làm nào là ra tòa, hội họp và tư vấn. Cô không thể về thăm cha được. Người cha nói: Con phải nói cho cha vài điều, cha đang thắc mắc về thời gian bây giờ. Khi cha chết, con có ý định về dự lễ an táng của cha không? Cô trả lời: Bố à, con không tin bố hỏi thế, và dĩ nhiên, con sẽ về tham dự lễ an táng. Người cha trả lời: Tốt, con hãy giữ lời hứa nhưng hãy quên nó đi. Cha cần con bây giờ hơn là lúc cha đã chết.

Lạy Chúa, chúng con dâng Chúa giây phút Đầu Năm Mới này, xin Chúa cho chúng con biết phó thác và đi trong đường nẻo của Chúa. Chúng con dâng lời tạ ơn Chúa muôn đời.
------------
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

CHÚA NHẬT 6 TN : Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc

Tin Mừng : Lc 6, 17. 20-26

"Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó"

Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất...Thiên Chúa sáng tạo con người. (Để) con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất".(Stk 1, 26). "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa" (St 1,27).Một hồng phúc mà chỉ "con người" mới có diễm phúc được nhận lãnh.

Trình thuật chương thứ hai của sách Sáng thế đã diễn tả rõ nét về hồng phúc đó rằng:"Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eden, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra...Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden, để cày cấy và canh giữ đất đai" (St 2, 8...15).

Buồn thay !!! Chỉ vì phạm tội bất tuân; con người mất hết hồng phúc đó... Để rồi lịch sử con người trở thành một lịch sử của ước mơ và hy vọng. Ước mơ và hy vọng được trở về "vườn Eden" nơi mà "Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp" (St 1, ...25). Nơi mà chỉ vì một phút lỡ lầm; con người đã bị "trục xuất".

Một trăm năm mươi Thánh Vịnh trong Kinh Thánh như một trăm năm mươi lời ủi an. Rằng Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Và rằng Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc.

Mở đầu Thánh vịnh là một chữ "PHÚC". Trong Kinh Thánh chữ "phúc" được hiểu như là "hạnh phúc". Hạnh phúc thay ! khi được Thiên Chúa chúc phúc. Lời Chúa qua Thánh Vịnh thứ nhất đã công bố rằng : người có phúc "tựa (như) cây trồng bên dòng nước; cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ" (Tv 1, 3). Một hình ảnh sống động gợi lên một sức mạnh trổi vượt và một sức sống mãnh liệt.

Sức mạnh trổi vượt và sức sống mãnh liệt này xuất phát từ đâu nếu không phải là từ Thiên Chúa !!! Ngôn sứ Giêrêmia đã giúp chúng ta nhận ra chân lý này khi ông ta khẳng định rằng : "Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa. Và có Đức Chúa làm chỗ nương thân" (Gr 17, 7). Cùng tâm tình với tác giả Thánh vịnh - Giêrêmia nói tiếp rằng : "Người ấy như cây trồng bên dòng nước; đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái" (c.8).

Hôm nay - "Mạch suối trong" đó ở đâu; nếu không phải là nơi Đức Giêsu Kitô - Con Một Thiên Chúa ! Chính Ngài cũng đã hơn một lần công bố bên bờ giếng Giacop trước mặt người phụ nữ Samari rằng : "Nước tôi cho sẽ trở thành... một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời" (Ga 4, 14).

Thật hạnh phúc thay - hôm nay - như một nguồn suối nước trong; như một mục tử nhìn đàn chiên bơ vơ đói khát. Đức Giêsu đã xoa dịu cơn đói khát bằng những lời chúc phúc thấm đậm tình yêu thương : "Phúc cho anh em ...Phúc cho anh em ... Phúc cho anh em ... Phúc cho anh em ..." v.v... (Lc 6,20-21).

Một chút tâm tình.

Trước một thế giới "duy-vật-chất" thì những lời chúc phúc của Đức Giêsu thật là "nghịch nhĩ"...Con người trong xã hội hôm nay cho rằng giàu có, tươi cười hay no đủ mới là "có phúc".

Nhưng Thiên Chúa lại nhìn sự việc theo cách khác. Chính ở điểm này mà chúng ta sẽ thấy tại sao Đức Giêsu lại có những lời chúc phúc hết sức nghịch lý.

Đức Giêsu quả quyết rằng : "Phúc cho anh em là những người nghèo khó...là những kẻ bây giờ đang đói...là những kẻ bây giờ đang khóc..." (LC 6, 20-21).

Sự nghèo khó, sự đói khát và nỗi buồn khóc than mà Đức Giêsu muốn nói không ở trong lãnh vực "thuộc thể xác" nhưng trong phạm vi "thuộc tâm linh".

Ý thức được tình trạng "phá sản" tâm linh. Nhận ra mình đói khát sự công chính và biết khóc than, ăn năn về tội lỗi của mình. Đó... Đó mới chính là ý nghĩa của những lời chúc phúc mà Đức Giêsu muốn gửi đến cho mỗi chúng ta.

Một phút suy tư.

Cô-he-lét nói :"Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân" (Gv 1, 2). Thú vui và hạnh phúc trần gian ư !!! Nhà cửa, gia súc , bạc vàng và vật quý ư !!! Đào kép, mỹ nữ cung phi ư !!! "Tôi đã trổi vượt và giàu có hơn mọi người"... Cô-he-lét nói tiếp : "(Nhưng) tôi nhận thấy : Tất cả chỉ là phù vân" (Gv 2, 11)...

Hiểu được những gì Cô-he-lét đã nói; chúng ta sẽ nhận thấy những lời chúc "phúc" của Đức Giêsu có giá trị cho đời sống Kitô hữu biết dường bao.

Là người đặt-niềm-tin-vào-Đức Giêsu; hãy tin rằng : "Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư" (Lc 1, 53) như xưa kia Đức Maria đã có một lòng tin như thế !!!

Là một Kitô hữu - điều chúng ta nên sợ - không phải sợ "đói bánh ăn... cũng không phải khát nước uống" mà hãy nên sợ "đói khát được nghe Lời Đức Chúa" (Amos 8,11).

Hơn nữa, trong một thời đại mà con người đối xử với nhau bằng sự dối trá, lươn lẹo, lừa lọc... thì sự "đói khát công chính" được Đức Giêsu hoan nghênh và "chúc phúc" cũng là điều tất yếu.

Thiên Chúa muốn chúng ta được hạnh phúc. Chấp nhận Thiên Chúa và thực thi đường lối của Ngài là cách duy nhất để được Ngài chúc phúc.

Có lời chúc phúc nào tốt hơn lời chúc phúc của Đức Giêsu !!! Một lời chúc phúc đã được đính kèm bằng lời hứa rằng : "anh em hãy vui mừng, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao"... Nếu : "anh em nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành" (Lc 6,47).

petrus.tran

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN (NĂM C)

Tin mừng : Lc 1, 1-4 ; 4, 14-21

Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

Bạn thân mến,
Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một thói quen tốt, thói quen này có thể do điều luật quy định, cũng có thể do luật bất thành văn của làng họ quy định, và cũng có thể do thói quen của từng cá nhân hoặc của gia đình mà có.
Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay cũng có một thói quen tốt, thói quen tốt của Ngài là đến hội đường vào những ngày hưu lễ, để nghe đọc sách các tiên tri loan báo về Đấng cứu độ sẽ đến, nhưng hôm nay Ngài lại được mời công bố Lời Chúa trong thánh kinh cho mọi người nghe.

Thói quen biểu lộ cá tính và nhân cách của con người ta
Thói quen của kẻ lường gạt, ăn cướp là ngập ngừng và láo liên con mắt đảo qua đảo lại khi đến một nơi nào đó; thói quen của người thích sưu tầm thì đến bất cứ đâu cũng đều tò mò coi nhìn hỏi han cho biết sự việc; thói quen của tình yêu vô vị lợi là giúp đỡ và phục vụ tha nhân; thói quen của người Ki-tô hữu là cầu nguyện, làm việc bác ái, và còn rất nhiều thói quen tốt lành khác mà khi chúng ta thực hành thì người khác sẽ nhìn thấy Chúa Giê-su trên con người của chúng ta.
Chúa Giê-su đã không ngần ngại tuyên bố với tất cả những người hiện diện trong hội đường: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Ngài mạnh dạn tuyên bố lời kinh thánh đã ứng nghiệm nơi Ngài, bởi vì mục đích của Ngài đến trần gian là để cứu chữa những gì đã bị huỷ hoại do tội gây ra, là để an ủi những người đang bị người đời bỏ rơi, là để làm cho tâm hồn con người được ấm lên tình yêu thương đồng loại, qua việc đón tiếp và phục vụ những người mà xã hội cho là bất trị. Tóm lại, Chúa Giê-su đến để cứu chuộc nhân loại, và qua hành động này đã bày tỏ cho nhân loại được biết Ngài chính là Thiên Chúa làm người.

Thói quen tốt sẽ phản ảnh lại khuôn mặt của Chúa Ki-tô nơi người tín hữu
Bởi vì chỉ có tâm hồn méo mó tội lỗi mới làm cho khuôn mặt của Chúa Ki-tô trở nên méo mó nơi người tín hữu mà thôi. Không một người Ki-tô hữu nào lại không biết đến Chúa Giê-su, nhưng không phải mọi tín hữu đều có thói quen thực hành những công việc mà Chúa Giê-su đã làm: giúp đỡ người nghèo, tha tội cho cho tội nhân, chữa lành bệnh tật và hi sinh mạng sống cho người mình yêu.
Thói quen của người Ki-tô hữu trong một xã hội đầy những gian dối này là thành thật; thói quen tốt của người Ki-tô hữu trong một xã hội mà người ta chỉ biết hưởng thụ cho cá nhân mình là dấn thân phục vụ tha nhân...
Tất cả những thói quen ấy đều phản ảnh lại khuôn mặt hiền dịu của Chúa Giê-su trên con người của bạn và của tôi, và khi chúng ta đã làm được như thế thì chúng ta cũng sẽ tuyên bố với mọi người như Chúa Giê-su: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

Bạn thân mến,
Chúa Giê-su là Thiên Chúa và không cần đến thói quen tốt bởi vì Ngài vốn là Đấng chân thiện mỹ và thánh, nhưng trong thân phận bản tính con người Ngài cũng có những thói quen tốt, thói quen này được học hỏi nơi mẹ của Ngài là Đức Maria dạy bảo, được học hỏi nơi thánh cả Giu-se và nơi các kinh sư cũng như các thầy thông luật, Ngài được dạy dỗ phải đến hội đường vào ngày hưu lễ, phải siêng năng suy gẫm và đọc thánh kinh, cho nên Ngài đã trở thành mô phạm cho chúng ta bắt chước noi theo...
Hãy làm gương sáng, hãy tập làm thói quen tốt để dạy dỗ con cái có thói quen tốt, hãy tập làm các việc lành để hướng dẫn người khác thực hành điều tốt, đó chính là phản ảnh lại hình ảnh Chúa Giê-su trong cuộc sống của chúng ta vậy...
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------
Lm. Giuse-Maria Nhân Tài, Csjb.

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2010

CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN - C

Tin Mừng : Ga 2, 1-11

“Chúa Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê.”

Bạn thân mến,
Phép lạ đầu tiên mà Chúa Giê-su đã làm khi Ngài công khai rao giảng tin mừng Nước Trời chính là phép lạ biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na, mà thánh Gioan đã tường thuật cho chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, tôi xin chia sẻ với bạn hai ý suy niệm sau đây:

1. Có Chúa hiện diện là niềm vui của con người.

Chúa Giê-su hiện diện trong tiệc cưới ở làng Ca-na là một biến cố, biến cố này chỉ xảy ra sau khi Chúa Giê-su làm phép lạ biến nước trở thành rượu ngon, để kéo dài niềm vui và cứu cho chủ nhà của chàng rể một phen hú vía vì rượu đã hết.
Chúa hiện diện trong gia đình chúng ta, cứu giúp chúng ta khỏi những ưu phiền và đem lại niềm vui cho mỗi người, như Ngài đã hiện trong tiệc cưới tại làng Ca-na, chúng ta hãy mời gọi Ngài đến trong nhà chúng ta để tình yêu giữa cha mẹ và con cái càng thêm nồng nàn vì có “rượu tình yêu” là chính Ngài ban cho.
Chúa hiện diện trong cuộc sống của bạn và tôi, với biết bao là vất vả khó khăn, với biết bao là chán chường và đau khổ, chính Ngài, với lời mời ân cần của chúng ta, Ngài sẽ đến để đem lại niềm vui cho chúng ta, niềm vui của Ngài sẽ bất tận và lây lan cho người khác khi chúng ta đã có niềm vui của Ngài.
Đường đời bạn và tôi đi nếu mà có Chúa cùng đồng hành hiện diện thì quả là hạnh phúc, bởi vì khi Ngài hiện diện thì đồng thời bình an cũng hiện diện và vui tươi cũng có mặt, làm cho đường chúng ta đi trở nên gần hơn, và chúng ta cũng trở nên gần gủi với tha nhân hơn.

2. Mọi người vui vẻ khi có chúng ta hiện diện.

Là con cái của Thiên Chúa, là môn đệ của Đức Ki-tô và là anh em của mọi người, bạn và tôi cũng cùng theo Chúa Giê-su đi dự tiệc cưới như các tông đồ xưa, nhưng tiệc cưới mà chúng ta tham dự đây không phải là ở làng Ca-na, nhưng là ở nơi đâu có chúng ta, thì ở đó là một bàn tiệc của sự vui vẻ, thân ái và phục vụ...
Chúa Giê-su đã hiện diện trong tiệc cưới và mọi người đã trở nên vui vẻ vì rượu được uống no say. Bạn và tôi hiện diện và mang lại vui vẻ hân hoan ở những nơi mà đau khổ đang như một cuồng phong thổi tan nát cuộc sống tinh thần và vật chất của tha nhân: nơi những trại phong cùi, nơi những trại giáo huấn trẻ bụi đời, nơi những trại cai nghiện ma túy, nơi những trại mồ côi và nơi phục hồi nhân phẩm của các cô gái lỡ lầm.v.v...

Bạn thân mến,
Chúa Giê-su đã mở đầu việc rao giảng tin vui Nước Trời bằng việc làm cho nước hóa thành rượu, và kết thúc bằng việc hiến tế chính bản thân mình trên Thánh Giá, và kéo dài mãi cho đến ngày tận thế trong bí tích Thánh Thể trên các bàn thờ...

Nước biến thành rượu,
nổi buồn biến thành niềm vui,
đau khổ biến thành hân hoan,
thất vọng biến thành hi vọng,

là những điều mà chúng ta sẽ làm được, khi chúng ta biết đồng hành cùng Chúa Giê-su đi tham dự tiệc cưới Nước Trời trong thánh lễ, bởi vì nơi đây rượu đã biến thành Máu Thánh và bánh miến biến thành Mình Thánh của Ngài làm của nuôi linh hồn của chúng ta.
Đó chính là niềm vui và hi vọng của Chúa Giê-su mà mọi người nhìn thấy nơi con người chúng ta vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
-----
Lm Giuse-Maria Nhân Tài