LỜI CHÚA

"Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Tin mừng : Lc 22, 14- 23,56


Hôm nay chúng ta nghe lại bài “Thương Khó” nói về cuộc tử nạn của Đức Giêsu. Từ vườn Ghetsemani cho tới dinh thượng hội đồng. Từ dinh tổng trấn cho tới dinh bạo chúa Hêrôđê. Có vẻ như chúng ta thường mệt mỏi vì bài Thương Khó quá dài. Và dường như có lúc chúng ta xao lãng mất tập trung.
Chúng ta có bao giờ dửng dưng đứng nhìn.. bàng quang… xa lạ… thờ ơ .. trước nỗi đau khổ của Ngài ??? Thật ra nỗi đau khổ và cái chết của Ngài là vì : “Yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Galat 2,…20).
Cảm nghiệm được nỗi đau đớn bị hành của Ngài trước bạo quyền, bạo lực. Cảm nghiệm được nỗi cô đơn của Giêsu khi ba người môn đệ thân tín ngủ vùi. Cảm nghiêm được sự đau buồn của Giêsu về sự bội phản của Giuda. Cảm nghiệm được sự ngỡ ngàng của Giêsu khi mọi người đòi thả Baraba – một tên phản loạn. Cảm nghiệm được sự cô độc khi đám đông vẫn theo Ngài “xin ăn” nay lại giơ “nắm đấm” đòi đóng đinh Ngài..
Vâng, nếu chúng ta cảm nghiệm được tất cả những gì mà Giêsu đã phải trải qua… Chúng ta chẳng còn gì phải run sợ trước bạo quyền, bạo lực. Chẳng có gì phải đau buồn khi bị phản bội. Chẳng có gì phải ngỡ ngàng khi “chân lý và sự thật” bị chà đạp. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi phải đơn thân độc mã bước đi trên con đường công lý.
Một khi chúng ta cùng đồng hành với Đức Giêsu đi trên “Con Đường Thập Giá”. Cùng vác Thánh Giá với Ngài như “Simon Kyrênê” xưa kia. Vâng, chúng ta hãy cùng Ngài mà thưa với Chúa Cha rằng : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
SAIGON - LỄ LÁ 2010
Trích : Ngày dài nhất của Petrus.tran

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2010

CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY : NGƯỜI CHA NHÂN TỪ

Tin Mừng : Lc 15, 1-3. 11-32

“Em con đây đã chết mà nay sống lại.”

Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, nổi bật ba nhân vật chính với ba tâm tình và tính cách khác nhau, đó là lòng thương yêu của người cha, hưởng thụ trong tội lỗi của đứa con thứ hai, và sự phân biệt đối xử của người con cả. Chúa Giê-su đã rất tinh tế khi nói lên ví dụ cách thực tế này.

1. Lòng thương yêu của Thiên Chúa (người cha).

“Em con đã mất nay đã tìm thấy, đã chết mà nay lại sống”, là câu nói bày tỏ tất cả tình thương của Thiên Chúa là Cha với tất cả mọi người con của Ngài là nhân loại tội lỗi, cha mẹ có thể yêu thương con rất nhiều nhưng không thể nào yêu thương vô bờ bến, bởi vì cũng có lúc cha mẹ đăng báo từ con, chối từ nhận đứa con hoang đàng phung phí tội lỗi làm con của mình, vì thế giá và vì danh dự của gia đình. Nhưng Thiên Chúa thì không như vậy, thế giá và danh dự của Ngài cả trời đất vạn vật không thể nào tả cho hết, nhưng vì yêu nhân loại tội lỗi mà danh dự và thế giá của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô đã bị đánh đòn, bị treo trên thập giá và bị chết cách nhục nhã để cứu chuộc nhân loại tội lỗi...

2. Người tội lỗi (đứa con thứ hai).

Chung quanh chúng ta có rất nhiều người sống trong tội, bên cạnh chúng ta có nhiều người công giáo không đi nhà thờ, và cũng có nhiều người mà chúng ta quen biết đang ngày càng xa Chúa, đó là những người mà chúng ta cho rằng họ là những tội nhân cần đến lòng thương xót của Chúa.

3. Người đạo đức phân biệt đối xử (đứa con cả).

Người đạo đức thì không như người tội lỗi, họ tuân giữ luật Chúa, họ siêng năng đi lễ nhà thờ, họ tham gia các công tác và giúp đỡ tiền bạc cho nhà thờ...

Họ như người con cả siêng năng làm việc biết phụng dưỡng và biết vâng lời cha già, cho nên trong cuộc sống họ phân biệt rõ ràng người đạo đức và người tội lỗi thì không thể nào chung đụng nhau, không thể tha thứ với hạng người tội lỗi...

Bạn thân mến,
Thiên Chúa là cha nhân từ của người lành cũng như người ác, Ngài đã cho mưa xuống trên ruộng đồng của người lành cũng như người tội lỗi, Ngài cũng cho ánh sáng mặt trời chiếu rọi trên mặt đất để soi sáng cho người đạo đức cũng như người không đạo đức, đó là tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Chúng ta thường tự hào mình là người Ki-tô hữu ngoan đạo, nhưng lại khinh chê những người không phải là Ki-tô hữu hoặc những người tội lỗi; chúng ta thường tự hào mình là người luôn tuân giữ luật Chúa, nhưng lại luôn phân biệt đối xử với người tội lỗi; chúng ta thường cho mình là người đạo đức, nhưng lại không chấp nhận người anh em trở về với Chúa. Tất cả những thái độ ấy đều là của người anh cả trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, đó cũng là thái độ thường có của chúng ta trong cuộc sống thường ngày...

Mùa chay là mùa mà Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài trên nhân loại rõ ràng nhất, do đó Ngài cũng muốn chúng ta –những người Ki-tô hữu- cũng làm như thế đối với những anh em chị em lầm đường lạc lối của mình. Đó là ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay vậy.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------
Lm. Giuse-Maria Nhân tài, Csjb.

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY

VINH QUANG CỦA ĐỨC GIÊSU.
Tin mừng Lc 9, 28b-36


Trung tâm điểm của niềm tin Kitô giáo đó là cuộc tử nạn và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế mà hằng năm; Giáo Hội dành ra một thời gian dài để chuẩn bị cho đại lễ mừng kính trọng thể Đức Giêsu Kitô đã sống lại. Thời gian chuẩn bị đó kéo dài bốn mươi ngày mà chúng ta quen gọi là "mùa chay thánh".
"Mùa chay thánh" là mùa mà chúng ta thường nghĩ đến sự kiêng ăn và hãm mình. Thế nhưng nếu nhìn theo một hướng tích cực hơn nữa thì đây là một cơ hội để người Kitô hữu thay-đổi-cuộc-sống bằng sự biến đổi tâm hồn mình.
Không phải là ngẫu nhiên khi Giáo Hội trích Tin Mừng thánh Luca : (9, 28-36) để đọc trong Chúa Nhật thứ hai mùa chay. Bởi trình thuật này cho thấy sự nổi bật của chủ đề được nêu lên đó là sự "biến đổi".
Sự kiện Đức Giêsu lên núi cầu nguyện và bắt đầu mạc khải "Mầu-nhiệm-Vượt-Qua" bằng việc biến-đổi-hình-dạng với : "dung mạo Người bổng đổi khác và y phục Người trắng tinh chói lòa" như muốn nói lên rằng : Sự "hiển dung" này báo trước vinh quang sẽ đến với Đức Giêsu trong : "cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem" (Lc 9, ...31).
"Vinh quang của Đức Giêsu" (bên cạnh) sự rạng ngời vinh hiển của hai nhân vật Môsê và Êlia"(Lc 9, 31-32) có thể nhìn như một dấu chỉ nói lên rằng : Thiên Chúa luôn đồng hành bên người Con-của-Ngài. Đồng hành từ đau khổ đến vinh quang; từ ô nhục đến chỗ được siêu tôn; từ cái chết trên thập giá đến sự phục sinh vinh hiển.
Sự biến hình của Đức Giêsu như một ấn chứng dẫn đưa chúng ta đặt trọn niềm tin vào "mầu nhiệm vượt qua" nơi mà cái chết và sự sống lại của Ngài cho thấy "cuộc sống con người" sẽ không bị kết thúc trong quên lãng.
một chút tâm tình...
Chúng ta được thông phần vào "mầu nhiệm vượt qua" nhờ Bí tích thanh tẩy. Cùng với Đức Kitô - ta chết cho tội lỗi ngõ hầu có thể bắt đầu một cuộc sống mới trong ta. Đây chính là sự biến đổi. Một biến đổi trong cuộc sống của người Kitô hữu. Một cuộc sống như Tông Đồ Phao-Lô đã nói : "Tôi sống nhưng không còn là tôi sống nữa. Nhưng là Đức Kitô sống trong tôi"(Gal 2,20).
một phút suy tư...
Thế giới mà chúng ta đang sống là một phần của Nước Thiên Chúa - Vương Quốc của chân lý và tình yêu. Là người Kitô hữu - chúng ta tin rằng mọi sự cũng đang được "biến đổi". Với niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh - "sự chết chỉ là sự biến đổi chứ không hề tiêu tan" (Kinh tiền tụng 1). Sự-biến-đổi đó được nuôi dưỡng bởi chính sự biến đổi của Đức Giêsu qua bí tích Thánh Thể - Mình Máu Thánh của Ngài.
Trong Thánh Lễ - chúng ta nối bước nhau lên "rước lễ". Có khác nào một đoàn dân đang lữ hành. Một cuộc lữ hành về "Trời Mới Đất Mới". Khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể cho thấy chúng ta đặt niềm tin vào lời hứa của Đức Giêsu : "Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại (biến đổi từ cái chết đến sự sống) vào ngày sau hết. (Ga 6,54).
MÙA CHAY 2010 - PETRUS.TRAN