LỜI CHÚA

"Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Suy niệm Mùa Chay

VƯỜN GHETSEMANI...


Đang khi Giêrusalem say nồng trong giấc ngủ. "Đức Giêsu cùng các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani". (Mc 14, 32). Ngọn núi ôliu bỗng chuyển mình thức giấc; tiếng lá cây rơi xào xạc tạo nên một âm thanh nghe như than vãn... như ai oán não nề...
Khung cảnh nên thơ thường ngày của vườn cây dầu nhường chỗ cho sự ngột ngạt đến lạnh lùng. Sự lạnh lùng của những tên "bội phản"...
"Lạy Cha... nếu có thể !" (Mt 26,39)
Đức Giêsu : "quỳ gối cầu nguyện". Người cảm thấy "buồn đến chết được". Buồn vì : "(đã) có một người... sẽ nộp (mình)..." Kẻ-phản-bội đã bị lột mặt nạ. Satan đã nhập vào y. Và y đã ra đi... "Lúc đó trời đã tối".(Ga 13,30).
Đắm mình trong sự nguyện cầu. Đức Giêsu cất tiếng : "Ap-ba ! Cha ơi... Cha làm được mọi sự; xin cất chén này xa con". (Mc 14,36). Chén của đau khổ và chết chóc !!!
Than ôi ! Đức Chúa Cha - có vẻ như vẫn thinh lặng một cách khó hiểu !!! Sự thinh lặng đó đã làm cho Giêsu : "vã mồ hôi... như những giọt máu rơi xuống đất" (Lc 22,44). Khuôn mặt Ngài lộ rõ vẻ : "hãi hùng xao xuyến". Bằng chứng của một trạng thái đang phải chiến đấu. Một cuộc chiến đấu đầy cam go với ác thần.
Giờ "G" đã gần điểm... Chúa Cha như thấu suốt được nỗi lòng người Con-của-Ngài. Và kìa : "thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho (Đức Giêsu)". Con-của-Ngài như đã hiểu được thế nào là sự phó-thác-trong-tay-Cha nên đã "sấp mặt xuống với lời nguyện cầu :...xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha muốn" (Mt 26, ...39).
Một chút tâm tình...
Là một Kitô hữu - là người tin vào Đức Giêsu Kitô - chúng ta cũng sẽ phải bước vào : "vườn Ghệt" như là một sự khởi đầu cho cuộc hành trình về "Giêrusalem mới".
Không một Kitô hữu nào được "đặc cách" cho rằng mình là một ngoại lệ...
Bước vào Ghêtsêmani hôm nay - chúng ta cũng sẽ phải chiến đấu với tâm trạng âu lo.. buồn phiền...xao xuyến...như xưa kia Đức Giêsu cũng đã phải trải qua.
Chúng ta sẽ phải nhìn thấy chính bản thân mình đang trải qua những nỗi đau tuyệt vọng... Tuyệt vọng khi phải chứng kiến cảnh người thân yêu của mình ra đi.
Tuyệt vọng đến nỗi : "người đi một nửa hồn tôi chết. Một nửa hồn tôi hóa dại khờ !!!"
Chúng ta sẽ phải buồn phiền bởi những nỗi "buồn hiu hắt buồn"... Những nỗi buồn "đến-chết-được"...vì sự dối trá.. vì sự lừa lọc... Những nỗi buồn vì sự phản bội : "thôi là hết anh đi đường anh" !!!
Chúng ta sẽ phải "âu lo" bởi sự bắt bớ... tù đày.. ngược đãi... chỉ vì sống chứng nhân cho "chân lý và sự thật".
Nhưng có phải thế mà chúng ta cảm thấy nản lòng !!!
một phút suy tư...
Cuộc chiến đấu của Đức Giêsu trong vườn "Ghệt" không thất bại. Trái lại, Ngài đã chiến thắng. Chiến thắng không bởi gươm giáo. Như có lần Ngài đã nói cùng Phêrô - người môn đệ của mình - rằng : "ai dùng gươm sẽ chết vì gươm". Sự chiến thắng của Ngài dựa trên niềm tin phó thác và nguyện cầu.
Từ núi "Oliu" với "ba lần" nguyện cầu; cho đến nơi gọi là "cái Sọ" - Đức Giêsu vẫn trung thành với lời cầu nguyện phó thác : "Lạy Cha ! Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha." (Lc 23,46).
Đó có là "bài học"... là "tấm gương" cho chúng ta là những người môn đệ của Ngài !!!
Hãy nghe lời "trách-yêu" của Thầy Chí Thánh : "Sao anh em lại ngủ ? Dậy mà cầu nguyện..." (Lc 22,46)
---------
Petrus Tran.

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

Thứ tư Lễ Tro

Chay tịnh, dấu chỉ thế giới mới

Phụng vụ thứ tư Lễ Tro được ghi dấu trong lịch sử như khởi đầu thời kỳ sám hối công cộng, thời kỳ gia tăng việc giáo huấn các dự tòng, những người sẽ được rửa tội trong đêm Vọng Phục sinh, mở ra thời gian cứu độ của Mùa Chay.Tinh thần cộng đồng cầu nguyện, châ tả cách tượng trưng trong nghi thức xức tro trên đầu, nói lên lòng khiêm cung đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Vượt lên trên ý nghĩa tập tục nơi các tôn giáo khác, người kitô hữu tiếp tục sống ý nghĩa những thực hànhn thành quay về với Chúa mà các bài sách Thánh hôm nay trình bày, được diễn đền tội của thời Cựu Ước, như dấu chỉ chay tịnh của cuộc hành trình thiêng liêng mùa chay, và để nhận rằng, thân xác chúng ta, dựng nên từ cát bụi, sẽ trở về cát bụi, như một hy lễ dâng lên Thiên Chúa của sự sống, kết hiệp với cái chết của Con Một Ngài. Do đó mà ngày thứ tư lễ Tro, cũng như suốt mùa chay còn lại, tự nó không có ý nghĩa gì, nhưng dẫn đưa chúng ta đến biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu, mà chúng ta cử hành với niềm hy vọng rằng chúng ta cũng sẽ được biến đổi như ngài.

Việc canh tân phục sinh được các người tin vào Đức Kitô loan báo rằng, noi gương Thầy chí thánh, họ thực hành chay tịnh những của cải và những cám dỗ thế gian, rằng Ma quỷ là tên lừa bịp chúng ta rơi vào cám dỗ. Việc tiết chế ăn uống phần xác là dấu chỉ việc người kitô sẵn sàng nghe theo hành động của Thánh Thần và việc chúng ta liên đới với những người mong chờ trong tinh thần nghèo khó bữa tiệc vui vĩnh cửu. Như vậy việc từ bỏ những vui thích và những thỏa mãn chính đáng bổ túc cho đòi hỏi của việc chay tịnh, biến đổi thời gian ân sủng thành một lời loan báo về một thế giới mới, được giao hòa với Chúa.
__________________
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

Mùng 2 Tết : KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN

(Mt 15, 1-6)
Mỗi năm vào ngày mồng hai tết, Giáo Hội luôn dành một ngày để con cái cháu chắt có dịp báo hiếu tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên.Đây là hình thức rất có ý nghĩa, Giáo Hội giúp mỗi người còn được diễm phúc sống dưới trần gian này hiểu được thế nào là công lao của ông bà tổ tiên. Có tổ tiên, có ông bà mới có cha mẹ rồi mới có chúng ta : đây là một điều hiển nhiên ai cũng phải hiểu và cảm nghiệm một cách sâu sắc công ơn trời biển của tổ tiên ông bà, của cha mẹ vv…” Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra “, ca dao Việt Nam quả có lý khi đề cập tới nghĩa vụ của con cái đối với mẹ cha. Do đó, hôm nay, mọi người dâng thánh lễ này cầu nguyện cho các bậc sinh thành rất hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam chúng ta, đồng thời cũng rất thực tế với dạy của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu.
CUỘC TRANH LUẬN GIỮA CÁC NGƯỜI PHARISÊU, CÁC KINH SƯ VÀ CHÚA GIÊSU : Trong đoạn Tin Mừng thánh Matthêu xoay quanh cuộc tranh luận của Đức Giêsu với các người Pharisêu, các Kinh sư về bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Đối với các người Pharisêu, các kinh sư họ cho rằng theo lời của tiền nhân thì tất cả những gì họ làm cho cha mẹ đều là tế phẩm dâng lên Thiên Chúa, do đó, họ làm như thế là vừa đủ rồi, không cần phải thờ cha kính mẹ nữa. Người Pharisêu và Kinh sư giới hạn bổn phận con cái dựa trên hoàn toàn vật chất, một nghĩa vụ vật chất được họ gán cho nghĩa vụ đạo đức. Đối với Đức Giêsu, Ngài nhắc nhở cho các Pharisêu, các Kinh sư và mọi thế hệ, mọi người chúng ta rằng :” Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử “.Ngay trong điều răn thứ bổn của thập giới cũng viết:” Thảo kính cha mẹ “. Như thế rõ ràng Thiên Chúa dạy con người phải thảo hiếu với mẹ cha không chỉ dừng ở của cải vật chất nhưng phải hiếu thảo bằng cả tấm lòng yêu thương, tôn kính, mến yêu đến nỗi ai nguyền rủa cha mẹ tức là đụng đến nhân phẩm, đụng đến quyền làm người của cha mẹ, thì phải bị xử tử. Chính vì thế, lập trường của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với người Pharisêu và các Kinh sư. Chúa Giêsu mở ra một giá trị mới, một đạo hoàn toàn dựa trên tình thương.
VẤN ĐỀ HIẾU THẢO BỊ LUNG LAY : Nếu lược qua các nơi, các nước chúng ta như nhận ra được cái yếu của nhiều gia đình. Bởi vì đời sống của nhiều gia đình hiện nay đang vấp phải khủng hoảng về đức tin, về đạo lý, Nhiều con cái chỉ dừng trên nghĩa vụ, bổn phận lo lắng cho cha mẹ của cải vật chất, mà quên đi cha mẹ còn phải được kính trọng và yêu mến. Vật chất chỉ là giá trị bề ngoài nhưng chính giá trị tinh thần, giá trị đạo đức mới quan trọng cho đời sống cha mẹ. Ngày nay có nhiều gia đình con cái đối với cha mẹ không ra làm sao cả. Nên, giá trị đạo đức bị đảo lộn, con cái coi vật chất là trên hết, có nhiều đứa con đặt tiền tài trên nghĩa vụ làm con.Ở nhiều nước văn minh có nhiều gia đình con cái sẵn sàng gửi cha mẹ vào các nhà dưỡng lão đầy đủ tiện nghi nhưng lại thiếu thái độ”thờ cha kính mẹ “ theo ý của Thiên Chúa là “ Hãy thảo kính cha mẹ “.Các Giám mục Việt Nam trong năm 2007 và 2008 đã ra hai thư mục vụ nói về gia đình. Điều này nói lên sự quan trọng của nền tảng gia đình. Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2008 viết về gia đình Nagiarét :” Các Ngài là những bậc cha mẹ gương mẫu, luôn biết đón nhận thánh ý Chúa và đem ra thực hành. Trong gia đình Nagiarét mọi thành viên đều tôn trọng nhau, mong muốn cho nhau điều tốt và cùng nhau thực hiện ý của Cha trên trời. Thánh Giuse và Đức Maria là những nhà giáo dục tài giỏi đã chu toàn sứ mạng được trao phó trong sự khôn ngoan và trung tín. Xin các Ngài chuyển cầu và luôn phù trợ cho các gia đình chúng ta”.Gia đình thánh gia là gia đình gương mẫu cho mọi gia đình bởi vì Chúa luôn hiếu thảo đối với thánh Giuse và mẹ Maria.
ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG : Cha mẹ là người sinh ra chúng ta, chúng ta phải hết lòng tôn kính, yêu thương cha mẹ. Ai cũng có cha có mẹ. Cha mẹ sinh ra chúng ta, cha mẹ nuôi dưỡng chúng ta, chúng ta phải hết lòng hiếu thảo với cha mẹ. Chúa nói : “ Hãy thảo kính cha mẹ “. Bổn phận của con cái là nuôi dưỡng, thăm hỏi khi cha mẹ còn sống, lúc qua đời phải xin lễ, cầu nguyện cho cha mẹ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu được rằng Chúa cũng có một gia đình, có cha có mẹ, Chúa đã hiếu thảo với cha mẹ, xin cho chúng con luôn biết báo đáp mẹ cha. Amen.
---------
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2010

Chúc mừng năm mới - Xuân Canh Dần!

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mathêu (Mt 6 : 25-34)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn, hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".

Đó là lời Chúa.

MỘT PHÚT SUY NIỆM

Thời gian là của Chúa. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con bước vào thềm Năm Mới. Ngày Đầu Năm là khoảng thời gian rất linh thiêng. Thời gian đẹp nhất và vui mừng nhất vì gia đình xum họp. Con cái về bên cha mẹ, con cái chúc tuổi cha mẹ và cha mẹ sẽ lì xì và chúc lành cho con cái.

Nhìn lại năm qua, chúng ta thấy đã có nhiều sự thay đổi. Có nhiều gia đình đã mua nhà mới, xe mới, con cái từng đứa đã ra trường và đã có công ăn việc làm. Có gia đình đã thêm con, thêm cháu và có dâu, có rể. Nhìn lại chúng ta cũng thấy có những mất mát, có những người đã ra đi và có những thất bại trong cuộc sống. Tất cả những buồn vui của cuộc sống đã đánh dấu những tháng ngày chúng ta nhận lãnh ơn của Chúa.

Đây phải là ngày tạ ơn. Tạ ơn Chúa cho chúng ta có gia đình. Tạ ơn Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và được làm con Chúa. Tạ ơn Chúa đã nối kết chúng ta thành cộng đoàn. Tạ ơn Chúa cho chúng ta có thầy dạy, có bạn bè cùng chung sống và nâng đỡ chúng ta. Tạ ơn Chúa cho chúng ta có cơm ăn áo mặc. Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta có sức khỏe, có khả năng, có thời giờ để sống và giúp đỡ anh chị em. Tạ ơn Chúa cho chúng ta có công ăn việc làm và có con cái ngoan hiền. Tạ ơn Chúa cho chúng ta sống thêm một năm mới.

Thời giờ là của Chúa. Chúa nói với chúng ta rằng : Các con chớ áy náy lo lắng phải ăn gì, uống gì và mặc gì. Tiên vàn các con hãy tìm nước Thiên Chúa. Chúa yêu thương quan phòng mọi sự. Hãy nhìn xem Chúa lo cho bông huệ ngoài đồng có hương sắc tuyệt vời. Chúa lo cho chim sẻ có của ăn nuôi sống hằng ngày. Chúng ta đừng quá áy náy lo lắng cho ngày mai. Mỗi ngày có niềm vui và sống trọn niềm vui mỗi ngày.

Hãy dùng thời giờ để sinh lợi cho Chúa và ích lợi cho nhau. Thời giờ chính là quà Chúa ban cho chúng ta một cách nhưng không. Chúng ta hãy tận dụng mọi khả năng và thời giờ Chúa ban để sống tốt. Truyện kể một cô gái làm nghề luật sư ở xa nhà. Cô có cha già. Họ đã không gặp nhau mấy tháng. Người cha gọi cô và hỏi khi nào cô sẽ về thăm. Cô gái bắt đầu kể lể nói cho ông biết những công việc phải làm nào là ra tòa, hội họp và tư vấn. Cô không thể về thăm cha được. Người cha nói: Con phải nói cho cha vài điều, cha đang thắc mắc về thời gian bây giờ. Khi cha chết, con có ý định về dự lễ an táng của cha không? Cô trả lời: Bố à, con không tin bố hỏi thế, và dĩ nhiên, con sẽ về tham dự lễ an táng. Người cha trả lời: Tốt, con hãy giữ lời hứa nhưng hãy quên nó đi. Cha cần con bây giờ hơn là lúc cha đã chết.

Lạy Chúa, chúng con dâng Chúa giây phút Đầu Năm Mới này, xin Chúa cho chúng con biết phó thác và đi trong đường nẻo của Chúa. Chúng con dâng lời tạ ơn Chúa muôn đời.
------------
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

CHÚA NHẬT 6 TN : Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc

Tin Mừng : Lc 6, 17. 20-26

"Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó"

Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất...Thiên Chúa sáng tạo con người. (Để) con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất".(Stk 1, 26). "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa" (St 1,27).Một hồng phúc mà chỉ "con người" mới có diễm phúc được nhận lãnh.

Trình thuật chương thứ hai của sách Sáng thế đã diễn tả rõ nét về hồng phúc đó rằng:"Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eden, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra...Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden, để cày cấy và canh giữ đất đai" (St 2, 8...15).

Buồn thay !!! Chỉ vì phạm tội bất tuân; con người mất hết hồng phúc đó... Để rồi lịch sử con người trở thành một lịch sử của ước mơ và hy vọng. Ước mơ và hy vọng được trở về "vườn Eden" nơi mà "Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp" (St 1, ...25). Nơi mà chỉ vì một phút lỡ lầm; con người đã bị "trục xuất".

Một trăm năm mươi Thánh Vịnh trong Kinh Thánh như một trăm năm mươi lời ủi an. Rằng Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Và rằng Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc.

Mở đầu Thánh vịnh là một chữ "PHÚC". Trong Kinh Thánh chữ "phúc" được hiểu như là "hạnh phúc". Hạnh phúc thay ! khi được Thiên Chúa chúc phúc. Lời Chúa qua Thánh Vịnh thứ nhất đã công bố rằng : người có phúc "tựa (như) cây trồng bên dòng nước; cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ" (Tv 1, 3). Một hình ảnh sống động gợi lên một sức mạnh trổi vượt và một sức sống mãnh liệt.

Sức mạnh trổi vượt và sức sống mãnh liệt này xuất phát từ đâu nếu không phải là từ Thiên Chúa !!! Ngôn sứ Giêrêmia đã giúp chúng ta nhận ra chân lý này khi ông ta khẳng định rằng : "Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa. Và có Đức Chúa làm chỗ nương thân" (Gr 17, 7). Cùng tâm tình với tác giả Thánh vịnh - Giêrêmia nói tiếp rằng : "Người ấy như cây trồng bên dòng nước; đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái" (c.8).

Hôm nay - "Mạch suối trong" đó ở đâu; nếu không phải là nơi Đức Giêsu Kitô - Con Một Thiên Chúa ! Chính Ngài cũng đã hơn một lần công bố bên bờ giếng Giacop trước mặt người phụ nữ Samari rằng : "Nước tôi cho sẽ trở thành... một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời" (Ga 4, 14).

Thật hạnh phúc thay - hôm nay - như một nguồn suối nước trong; như một mục tử nhìn đàn chiên bơ vơ đói khát. Đức Giêsu đã xoa dịu cơn đói khát bằng những lời chúc phúc thấm đậm tình yêu thương : "Phúc cho anh em ...Phúc cho anh em ... Phúc cho anh em ... Phúc cho anh em ..." v.v... (Lc 6,20-21).

Một chút tâm tình.

Trước một thế giới "duy-vật-chất" thì những lời chúc phúc của Đức Giêsu thật là "nghịch nhĩ"...Con người trong xã hội hôm nay cho rằng giàu có, tươi cười hay no đủ mới là "có phúc".

Nhưng Thiên Chúa lại nhìn sự việc theo cách khác. Chính ở điểm này mà chúng ta sẽ thấy tại sao Đức Giêsu lại có những lời chúc phúc hết sức nghịch lý.

Đức Giêsu quả quyết rằng : "Phúc cho anh em là những người nghèo khó...là những kẻ bây giờ đang đói...là những kẻ bây giờ đang khóc..." (LC 6, 20-21).

Sự nghèo khó, sự đói khát và nỗi buồn khóc than mà Đức Giêsu muốn nói không ở trong lãnh vực "thuộc thể xác" nhưng trong phạm vi "thuộc tâm linh".

Ý thức được tình trạng "phá sản" tâm linh. Nhận ra mình đói khát sự công chính và biết khóc than, ăn năn về tội lỗi của mình. Đó... Đó mới chính là ý nghĩa của những lời chúc phúc mà Đức Giêsu muốn gửi đến cho mỗi chúng ta.

Một phút suy tư.

Cô-he-lét nói :"Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân" (Gv 1, 2). Thú vui và hạnh phúc trần gian ư !!! Nhà cửa, gia súc , bạc vàng và vật quý ư !!! Đào kép, mỹ nữ cung phi ư !!! "Tôi đã trổi vượt và giàu có hơn mọi người"... Cô-he-lét nói tiếp : "(Nhưng) tôi nhận thấy : Tất cả chỉ là phù vân" (Gv 2, 11)...

Hiểu được những gì Cô-he-lét đã nói; chúng ta sẽ nhận thấy những lời chúc "phúc" của Đức Giêsu có giá trị cho đời sống Kitô hữu biết dường bao.

Là người đặt-niềm-tin-vào-Đức Giêsu; hãy tin rằng : "Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư" (Lc 1, 53) như xưa kia Đức Maria đã có một lòng tin như thế !!!

Là một Kitô hữu - điều chúng ta nên sợ - không phải sợ "đói bánh ăn... cũng không phải khát nước uống" mà hãy nên sợ "đói khát được nghe Lời Đức Chúa" (Amos 8,11).

Hơn nữa, trong một thời đại mà con người đối xử với nhau bằng sự dối trá, lươn lẹo, lừa lọc... thì sự "đói khát công chính" được Đức Giêsu hoan nghênh và "chúc phúc" cũng là điều tất yếu.

Thiên Chúa muốn chúng ta được hạnh phúc. Chấp nhận Thiên Chúa và thực thi đường lối của Ngài là cách duy nhất để được Ngài chúc phúc.

Có lời chúc phúc nào tốt hơn lời chúc phúc của Đức Giêsu !!! Một lời chúc phúc đã được đính kèm bằng lời hứa rằng : "anh em hãy vui mừng, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao"... Nếu : "anh em nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành" (Lc 6,47).

petrus.tran