LỜI CHÚA

"Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG

Tin mừng : Lc 1, 39-45

“Bởi đâu mà tôi được phước Mẹ Chúa đến viếng thăm ?”

Bạn thân mến,
Hôm nay chủ nhật thứ tư mùa vọng, chủ đề của Tin Mừng hôm nay là viếng thăm, tức là đức ái. Cuộc sống của người giữa người với nhau đều có những quan hệ để sống tồn, để yêu thương, để giúp đỡ, để chia vui và để chia buồn, bởi vì không ai là một hòn đảo.
Đức Mẹ Ma-ri-a đã đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét để trước hết là phục vụ, và sau nữa là loan báo tin vui Đấng Cứu Thế đã giáng trần, ơn cứu độ đã đến với nhân loại, một cuộc thăm viếng đơn sơ không kèn không trống đón chào nhưng niềm vui ngợp trời đất, không diễn văn khoa trương nhưng lột tả được tất cả những kì công của Thiên Chúa đã làm cho con người, đó là tình thương cứu độ.
Tình thương cứu độ này được đón nhận trước hết là thai nhi trong bụng của bà Ê-li-sa-bét –thánh Gioan Tiền Hô- ngài đã nhảy mừng lên khi còn trong bụng mẹ và đã được khỏi tội nguyên tổ, một cuộc viếng thăm tràn ngập niềm vui của Mẹ Ma-ri-a tại nhà người chị họ của mình.
Trong cuộc sống của bạn và tôi, cũng như bất cứ người nào cũng đều có những cuộc thăm viếng nhau trong cuộc sống, những cuộc thăm viếng này rất đa dạng :

- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả niềm vui cho người được thăm viếng.
- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả giận hờn, làm cho người được thăm viếng buồn phiền và lo âu.
- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả hận thù, làm cho người được thăm viếng sợ hãi...

Tiếp xúc và thăm viếng nhau là cơ hội để đem lại cho nhau niềm vui và sự cảm thông, đó cũng là điều mà Thiên Chúa muốn nơi mỗi người trong chúng ta.

Bạn thân mến,
Chúng ta là những người Ki-tô hữu, chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm giáng sinh hơn những người khác, chúng ta càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa thăm viếng của Mẹ Ma-ri-a với bà Ê-li-sa-bét, nghĩa là chúng ta sẽ đem tình yêu của Chúa đến cho tha nhân khi chúng ta đến viếng thăm hoặc là tiếp xúc với họ, chúng ta đóng vai trò của Mẹ Maria đem Chúa đến cho mọi người bằng cung cách phục vụ trong khiêm tốn của chúng ta.
Mẹ Ma-ri-a đón mừng mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa bằng cách phục vụ người chị họ như một “tôi tớ hèn mọn”, Mẹ cũng muốn chúng ta khi chuẩn bị đón mừng lễ giáng sinh con của Mẹ, thì đồng thời cũng giang tay tiếp đón những Giê-su nghèo khó bên vệ đường, những Ê-li-sa-bét lam lũ quần quật giữa cảnh đời không có tương lai...
Đó chính là lời mời gọi đức ái của Mẹ Ma-ri-a trong Tin Mừng hôm nay vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------
Lm. Giuse Maria Nhân tài, Csjb.

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Chúa Nhật 3 Mùa Vọng

Tin Mừng : Lc 3, 10-18

“Chúng tôi phải làm gì ?”

Bạn thân mến,

Hôm nay chủ nhật thứ ba mùa vọng, theo truyền thống của Giáo Hội, chủ nhật này được gọi là chủ nhật của hy vọng, cho nên các linh mục được dùng áo lễ màu hồng khi cử hành thánh lễ, để niềm hi vọng ngày Chúa đến được hát vang trong tâm hồn của người tín hữu.

Ánh sáng trong đêm tối là hi vọng, dù ánh sáng ấy chỉ mù mờ lóe lên, như thánh Gioan Tiền Hô xuất hiện mà người Do Thái thời ấy lầm tưởng là vị cứu tinh, nhưng ông không phải là vị cứu thế của nhân loại, ông chỉ đến để dọn đường cho Đấng cứu thế sẽ đến sau ông, nhưng quyền thế hơn ông mà thôi.

Dọn đường cho Chúa đến cần có hai thái độ: một là phải biết kiểm thảo mình, hai là phải biết mình là ai.

1. Phải biết kiểm thảo mình như những người đến nghe lời rao giảng của thánh Gioan Tiền Hô và đã hỏi ông : “Chúng tôi phải làm gì ?” thánh Gioan Tiền Hô đã trả lời rất rõ ràng: ai có hai áo thì chia sẻ với người không có áo, ai có chức quyền thì đừng áp bức người cô thế, ai có của ăn của mặc thì hãy nhớ đến những người không có gì để ăn...

Câu trả lời rất rõ ràng và thực tế của ngài đã làm cho bạn và tôi, và tất cả những người Ki-tô hữu- hiểu rõ thêm về giới luật yêu thương của Chúa Giê-su, Ngài không bắt chúng ta phải từ khước những gì mình có, nhưng ngài mời gọi chúng ta hãy mở rộng tâm hồn ra để đón nhận Thiên Chúa nơi người anh em của mình. Đó chính là cách kiểm thảo hay nhất và hiệu quả nhất, khi mỗi người trong chúng ta tự hỏi: tôi phải làm gì đối với những anh chị em bất hạnh chung quanh tôi ?

2. Biết mình là ai ?- Thánh Gioan Tiền Hô đã biết mình là ai, ngài biết mình không phải là đấng cứu thế, cũng không phải là đấng phải đến, nhưng ngài biết mình chỉ là kẻ dọn đường cho người đến sau nhưng cao trọng hơn mình, đó là Chúa Giê-su.

Biết mình là ai chính là thái độ đổi mới cách chân thành không ồn ào của người được ánh sáng Lời Chúa soi sáng :

- Họ biết mình là người có nhiều khuyết điểm hơn anh chị em nên họ không phê bình ai.

- Họ biết mình còn có rất nhiều những thói hư tật xấu cần phải sửa đổi, nên họ luôn cầu xin sự thứ tha của Thiên Chúa.

- Họ biết mình là người không xứng đáng để trở nên linh mục, tu sĩ của Chúa, nên họ luôn khiêm tốn cầu xin cho được sống xứng đáng với ơn gọi của mình...

Bạn thân mến,

Thánh Gioan Tiền Hô đã biết mình là người không xứng đáng cởi dây giày cho Chúa Giê-su, nên ngài đã được Chúa Giê-su cất tiếng khen cách đặc biệt: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.”[Mt,1,11]

Nếu bạn và tôi luôn biết mình là ai, thì chúng ta sẽ đem hi vọng đến cho người chung quanh, bởi vì hoa trái của hi vọng chỉ được đâm chồi nẩy lộc trên cây khiêm tốn mà thôi. Đó cũng là ý nghĩa của Tin Mừng chủ nhật hôm nay vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
-----------
Lm. Giuse maria Nhân tài, Csjb.

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

Tin mừng : Lc 3, 1-6

“Hết mọi người phàm sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Bạn thân mến,

Ơn cứu độ của Chúa Giê-su không chỉ dành cho bạn và tôi hay một người nào, một dân tộc nào, hay một quốc gia nào cả, nhưng nếu ai thành tâm đón nhận Ngài thì sẽ được ơn cứu độ...

Thời của thánh Gioan Tẩy Giả mọi người Do Thái đều trông đợi vị cứu tinh đến như lời tiên tri I-sai-a loan báo: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi...”, cho nên ơn cứu độ đã đến với nhân loại, mà trước hết là với người Do Thái nhưng họ đã từ chối đón nhận Đấng cứu độ, và kế đến là tất cả chúng ta, những người đã tin vào Chúa Giê-su nhưng vẫn cứ từ chối Ngài trong cuộc sống của mình...

Dọn tâm hồn cho ngay thẳng đối với người Ki-tô hữu là đi xưng tội, làm việc đến tội, hi sinh hãm mình.v.v... đương nhiên đó là những việc phải làm mà tất cả những ai là con cái Thiên Chúa đều phải có, nhưng trưởng thành hơn, rốt ráo hơn đó chính là đổi mới cách sống của mình sao cho phù hợp với Tin Mừng của Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Đổi mới cách sống cũng có nghĩa là từ trong nấm mồ tối tăm bừng dậy phục sinh với Chúa Ki-tô : hoàn hảo hơn, đẹp hơn và vinh dự hơn.

Hoàn hảo hơn trong cách sống làm người Ki-tô hữu với tấm hồn khiêm cung và phục vụ; đẹp hơn trong cách nhìn tha nhân với tâm hồn của tình huynh đệ chân thành trong Chúa Ki-tô; vinh dự hơn khi hiểu được mình mang tên Ki-tô hữu để xây dựng một xã hội bác ái hơn. Đó chính là cách thế để dọn tâm hồn cho ngay thẳng đợi Chúa đến trong thời đại ngày nay của chúng ta.

Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ, nhưng không phải tất cả mọi người phàm được cứu độ, bởi vì ơn cứu độ chỉ cứu những ai tin và và đón nhận Tin Mừng của Chúa Ki-tô mới đáng được lãnh nhận mà thôi. Là những người Ki-tô hữu, bạn và tôi hãnh diện vì đã tin và sống đức tin ngay tại trần gian này, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và nhờ đời sống tin yêu và hi vọng của chúng ta vào Thiên Chúa mà mọi người biết đến ơn cứu độ của Ngài.

Bạn thân mến,

Thiên Chúa đã làm người nên Ngài cũng rất thích đi trên những con đường bằng phẳng và thẳng tắp để đến với bạn và tôi, nhưng đồng thời Ngài cũng không ngần ngại cúi xuống nhặt những hòn sỏi làm vấp chân người khác, để thánh hoá và chúc lành cho nó trở nên dụng cụ hữu ích cho tha nhân.

Dọn đường cho ngay thẳng là việc mà bạn và tôi cần phải làm, để đường đi từ trái tim của chúng ta đến tâm hồn của tha nhân gần hơn, dễ hơn và thân tình hơn; lấp đầy những hố sâu là việc mà chúng ta phải làm từng giây phút trong cuộc sống, để tha nhân đến với chúng ta cách dễ dàng hơn, mà không bị ngăn cách bởi tính kiêu ngạo và khoe khoang của chúng ta, đó chính là chuẩn bị cho mọi người nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------

Lm Giuse Maria Nhân Tài, Csjb.

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Tin mừng : Lc 21, 25-28; 34-36

“Anh em sắp đựoc ơn cứu độ”.

Bạn thân mến,

Hôm nay chủ nhật thứ nhất mùa vọng, tức là bắt đầu một năm phụng vụ mới, năm C.

Mùa vọng là mùa trông đợi, ai đã từng trông đợi thì đều cảm nghiệm được sự bồn chồn lo lắng, hồi hộp pha lẫn niểm vui của đợi chờ :

- Như em bé đợi mẹ đi chợ về,

- Như người yêu đợi người tình,

- Như nhà nông đợi ngày thu hoạch,

- Như ruộng khô hạn trông mưa.

Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã đưa ra cho chúng ta thấy một viễn cảnh tương lai ngày Con Người đến trong vinh quang, Ngài mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và đợi chờ, trong lúc đợi chờ ngày trọng đại ấy đến thì sẽ có nhiều điềm thiêng dấu lạ xuất hiện trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao, nhân loại sẽ lo âu và sợ hãi khi ngày ấy đến.

1. Dấu hiệu của thời đại.

Dấu hiệu của thời đại ngày càng rõ rệt hơn, ứng nghiệm với lời cảnh báo của Chúa Giê-su trong bài tin mừng hôm nay, dấu hiệu trước tiên mà nhân loại có thể thấy được, sờ được, đó chính là chiến tranh, đói khát và ôn dịch, với dấu hiệu ấy, người Ki-tô hữu chỉ có một thái độ duy nhất là ngẫng đầu lên vì ơn cứu độ đã đến.

Nhưng thực ra, ơn cứu độ đã đến hơn hai ngàn năm nay rồi, và thời viên mãn của nó cũng đang đến gần khi những điềm thiêng dấu lạ mà Chúa Giê-su đã loan báo đã và đang xảy đến.

Người Ki-tô hữu là những người nhạy bén nhất trước những hiện tượng xảy ra của thời đại, bởi vì hằng ngày họ đều được nghe và suy gẫm lời dạy của Chúa Giê-su, và vì thế họ từng giây từng phút tỉnh thức và chuẩn bị ngày quang lâm của Ngài.

2. Tỉnh thức và đề phòng

Chúa Giê-su mời gọi chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện, tức là Ngài muốn chúng ta phải sẵn sàng luôn trong mọi hoàn cảnh và tình huống, bởi vì :

- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng, đó là những người ăn thua đủ bên canh bạc thâu đêm.

- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng, đó là những người đang say đắm trong đam mê xác thịt, thân xác thì thức để chờ đợi và thỏa mãn cơn khát vọng của nhục dục, nhưng tâm hồn thì đã ngủ mê trong tội lỗi.

- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng cảnh giác, đó là những người kiêu ngạo, họ tỉnh thức trong kiến thức hạn hẹp của mình khi ai đó phê bình góp ý cho việc làm của mình, nhưng tâm hồn thì đã thoả mãn trong sự đắc thắng của mình...

Người Ki-tô hữu không thức tỉnh để ăn thua với canh bạc, vì đó là chuyện của con cái tối tăm; người Ki-tô hữu cũng không tỉnh thức để chờ đợi cuộc nhậu thâu đêm, bởi vì đó là chuyện của con cái ma quỷ, nhưng người Ki-tô hữu tỉnh thức để chờ đợi ngày sum họp với Chúa Giê-su, Đấng đã và đang đến trong cuộc sống của họ...

Bạn thân mến,

Mùa vọng không những giúp cho chúng ta biết thức tỉnh và chờ đợi ngày Chúa đến trong vinh quang để phán xét, mà còn thức tỉnh chờ đợi Chúa đến với mỗi người chúng ta nữa, bởi vì dấu hiệu của thời đại trước hết không ở đâu xa, mà nó ở ngay trong con người của mình, chính là :

- Khi chúng ta sung sướng hưởng thụ vật chất là dấu hiệu của những ngày đói khổ của linh hồn.

- Khi chúng ta phê bình chỉ trích anh em chị em, là dấu hiệu ngày phán xét công thẳng và kinh khiếp đối với linh hồn và thân xác.

- Khi chúng ta kiêu căng ngạo mạn với mọi người, là dấu hiệu của người bị hạ xuống tận cùng vực sâu.

- Khi chúng ta vu oan giá hoạ cho người, thì đó là dấu chỉ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa lên án trong ngày chung thẩm...

Người biết chờ đợi, tỉnh thức và nhìn dấu chỉ của thời đại là người khôn ngoan và hạnh phúc, bởi vì họ đã sẵn sàng...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

-------

Lm. Giuse Maria Nhân tài, Csjb.